Rút quân khỏi Afghanistan và Đức là sai lầm lớn của Mỹ?
Trong một cuộc phỏng vấn với CBS News, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Herbert McMaster đã lên án cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan với Taliban và việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan.
Theo đó, ông McMaster cũng chú ý đến Trung Quốc và Nga, mà theo ông các nước này đang tìm cách tận dụng “cuộc khủng hoảng tay ba” ở Mỹ.
Mới đây, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Herbert McMaster đã gọi việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan và Đức là “một sai lầm lớn” từ góc độ an ninh quốc gia lâu dài.
Ông Trump dự kiến để lại từ 4.000 đến 5.000 quân ở Afghanistan tính đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ 3/11. (Ảnh: Reuters) |
Ông McMaster, người trước đây từng phục vụ ở Iraq và Afghanistan, đã chỉ trích các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban bắt đầu vào tháng 9 ở Doha. Theo ông McMaster, Tổng thống Mỹ nhượng bộ quá nhiều trong các cuộc đàm phán này.
“Với chính sách mới của mình, về cơ bản ông ta đang hợp tác với Taliban theo nhiều cách để chống lại chính phủ Afghanistan. Tôi cho rằng đây là một chính sách không khôn ngoan”, ông McMaster nhận định, đồng thời nói thêm rằng Nhà Trắng phải hỗ trợ chính phủ Afghanistan và lực lượng an ninh trong cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố.
Thay vì rút quân khỏi Afghanistan hoặc Đức, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng, tổng thống nên đi theo con đường tăng cường quan hệ đối tác giữa Mỹ và các đồng minh trên thế giới. “Cả hai quyết định đều là một sai lầm lớn”, ông McMaster nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông McMaster nhận định đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có quan điểm giống nhau liên quan đến việc cắt giảm hoặc rút quân Mỹ ra nước ngoài. Ông McMaster cũng cho hay cuộc xung đột ở Afghanistan là cuộc xung đột dài nhất mà Mỹ tham gia, vì Washington tin rằng “cuộc chiến sẽ nhanh chóng, chi phí rẻ và hiệu quả”. Tuy nhiên, sau đó Nhà Trắng chuyển sang cuộc chiến ở Iraq, thực tế quên mất Afghanistan và gây tổn thật nặng nề tại đây.
Cũng theo cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, các đối thủ của Mỹ hiện coi nước này là “suy yếu và chia rẽ”, nhìn thấy cơ hội để tận dụng tình hình. Ông McMaster cho rằng Hoa Kỳ đang ở trong một “cuộc khủng hoảng tay ba”, do đại dịch Covid-19, bất ổn dân sự và bất bình đẳng.
Trung Quốc đang hành động mạnh mẽ hơn nhiều, và có cơ hội tận dụng những điểm yếu của Mỹ để trở thành thế lực thống trị thế giới. Ngoài ra, ông McMaster cho biết, Nga cũng cảm thấy như vậy, nhưng Moscow biết rằng họ “quá yếu” để thách thức Washington.
“Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn muốn chia rẽ chúng ta làm lung lay niềm tin vào các nguyên tắc dân chủ, vào các thể chế và quy trình của chúng ta”, ông McMaster kết luận.
Trước đó, vào đầu tháng 9, Tướng Kenneth Mackenzie, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) cho biết, Mỹ sẽ rút một lượng lớn quân đội khỏi Afghanistan và Iraq. Cụ thể, số lượng quân nhân Mỹ tại Afghanistan sẽ được cắt giảm từ 8.600 xuống còn 4.500 người. Tại Iraq, số lượng lính Mỹ bị cắt giảm sẽ là 2.200 quân. Quy mô đội ngũ quân đội Mỹ tại Iraq sẽ giảm từ 5.200 xuống còn 3.000 người.
Tướng Mackenzie, người chịu trách nhiệm chính ở khu vực Cận và Trung Đông, lưu ý việc cắt giảm số lượng binh lính Mỹ tại Afghanistan đã được lên kế hoạch hoàn thành trước tháng 11. Ông tin rằng số lượng binh lính còn lại sẽ đủ để hoàn thành những nhiệm vụ cần thiết và việc rút quân khỏi Iraq sẽ không làm giảm khả năng bảo vệ của lực lượng còn lại trong nước.
Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đang đến gần hơn, ông Donald Trump đã tăng cường những lời lẽ hùng biện chống chiến tranh, mặc dù trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump hứa kết thúc các “cuộc chiến tranh vô tận” của Mỹ, nhưng binh sĩ Mỹ hiện nay vẫn hiện diện ở các quốc gia như Afghanistan, Iraq và Syria, dù số lượng có giảm.
Washington Post: Quyền lực của Mỹ trên trường quốc tế giảm mạnh
Theo đánh giá của các cuộc thăm dò dư luận mới nhất được tiến hành ở Mỹ và các đồng minh của Washington, ông Trump đã gây ra thiệt hại to lớn cho đất nước về khía cạnh chính sách đối ngoại.
Thanh Bình (lược dịch)