Quốc gia châu Á phải tạm dừng kế hoạch ‘sống chung với Covid-19’
Nhằm ngăn chặn số ca nhiễm virus corona tăng nhanh, chính phủ Hàn Quốc phải tạm hoãn thi hành chiến lược "sống chung với Covid-19".
Trước tình trạng số ca mới nhiễm virus corona tăng cao, Hàn Quốc buộc phải hoãn thực hiện kế hoạch “sống chung với Covid-19”, động thái tái áp đặt các quy định hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động tụ tập nơi công cộng và thời gian hoạt động kinh doanh.
Theo RT, trong thông báo hôm 16/12 của Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum, các quy định phòng dịch mới sẽ được thi hành từ ngày 18/12 – 2/1/2011.
Hàn Quốc phải tạm dừng kế hoạch "sống chung với Covid-19" do số ca mắc mỗi ngày tăng nhanh. (Ảnh: Yonhap) |
Cụ thể, số người tham gia các cuộc gặp riêng tối đa chỉ là 4 người. Các cửa hàng cà phê, nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ đêm và địa điểm giải trí chỉ được hoạt động tới 21h hàng ngày. Các rạp chiếu phim và quán cà phê internet cũng phải đóng cửa lúc 22h.
Những cá nhân chưa tiêm phòng vắc xin Covid-19 sẽ đối mặt với nhiều hạn chế hơn. Điển hình, nếu không thể trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính, họ sẽ không thể ngồi ăn ở căng tin hay quán cà phê, trừ khi họ ngồi một mình và mua mang đi.
Trong khi đó, các trường học ở đại đô thị Seoul sẽ chuyển sang học trực tuyến và nếu có mở cửa trường học cũng chỉ hoạt động với quy mô có giới hạn, theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho trẻ dưới 18 tuổi. Bộ Giáo dục Hàn Quốc đang động viên và khuyến khích các phụ huynh đưa con đi tiêm vắc xin Covid-19.
Liên quan tới kế hoạch mở rộng hệ thống hộ chiếu vắc xin Covid-19 đối với thanh thiếu niên vào tháng 2/2022, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho hay cơ quan này đang điều chỉnh chi tiết kế hoạch, hoặc hoãn thi hành quy định. Hiện hộ chiếu vắc xin Covid-19 cho thanh thiếu niên ở Hàn Quốc đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận nước này.
Những biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt hơn được chính phủ Hàn Quốc ban hành sau 6 tuần nới lỏng một số quy định phòng dịch trong quá trình thi hành kế hoạch “sống chung với Covid-19”.
Kể từ tháng Bảy, số ca mới mắc Covid-19 tính theo ngày tại Hàn Quốc vẫn duy trì ở mức 4 con số và lần đầu tiên có hơn 7.000 ca mắc mới trong 1 ngày là vào tuần trước.
Vào ngày 16/12, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này có 7.622 ca mới nhiễm virus corona. Số bệnh nhân Covid-19 đang nguy kịch là 989, con số lớn nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc. Theo KDCA, đa số các ca mới mắc Covid-19 được báo cáo ở khu vực đại đô thị Seoul.
“Chúng ta sẽ có thể vượt qua được giai đoạn quan trọng này chỉ bằng cách nhanh chóng đưa đại dịch vào tầm kiểm soát thông qua những biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ”, Thủ tướng Kim đồng thời hối thúc người dân tránh tới những nơi tập trung đông người trong khoảng thời gian chào đón Năm mới.
Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ triển khai các biện pháp bồi thường thích hợp đối với những chủ doanh nghiệp nhỏ và tự kinh doanh. Theo ông Kim, đây là những người “thêm một lần nữa phải chịu tổn thất”.
Vào ngày 15/12, KDCA xác nhận Hàn Quốc có tổng cộng 128 ca nhiễm Omicron chỉ sau 2 tuần kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng này vào ngày 1/12.
Để ngăn chặn làn sóng Omicron xâm nhập vào lãnh thổ quốc gia, chính phủ Hàn Quốc đã cho gia hạn quy định 10 ngày cách ly bắt buộc đối với người nước ngoài thêm 3 tuần nữa cho tới ngày 6/1/2022.
Theo quy định này, toàn bộ người nước ngoài không kể đến từ quốc gia nào và tình trạng tiêm phòng vắc xin Covid-19 ra sao đều phải trải qua 10 ngày tự cách ly sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc. Công dân Hàn Quốc từ nước ngoài trở về và người nước ngoài có visa dài hạn sẽ được phép cách ly tại nhà. Trong khi đó, những người nước ngoài có visa ngắn hạn dưới 90 ngày sẽ phải tới cơ sở cách ly của chính phủ.
Cho tới ngày 6/1/2022, công dân các nước từ Nam Phi, Namibia, Mozambique, Lesotho, Malawi, Botswana, Eswatini, Zimbabwe, Nigeria, Ghana và Zambia sẽ bị cấm tới Hàn Quốc.
Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra lời xin lỗi về việc đẩy mạnh thi hành biện pháp cách ly và tạm dừng triển khai chiến lược “sống chung với Covid-19”.
“Chính phủ đã thất bại ngăn chặn số ca trở nặng tăng nhanh, cũng như đảm bảo đủ giường bệnh trong giai đoạn trở lại bình thường”, Korea Times dẫn lời phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc Park Kyung-mee.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, những biện pháp phòng bệnh được công bố “chậm muộn” có thể sẽ không đủ khả năng ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
“Hiệu quả của những biện pháp này sẽ rất nhỏ. Chúng không thể ngăn chặn làn sóng lây lan vào cuối năm nay. Mọi thứ có thể tồi tệ hơn vào mùa đông và số ca nhiễm Omicron sẽ gia tăng”, ông Kim Woo-joo, chuyên gia các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Guro của Hàn Quốc nói.
“Tình hình Covid-19 tại Hàn Quốc đang ở ngưỡng bùng phát. Những biện pháp phòng bệnh khắt khe nên được thi hành từ 2 tuần trước, thời điểm số ca mới mắc Covid-19 trong ngày dưới con số 5.000”, ông Kim Woo-joo nói thêm.
Cũng theo ông Kim Woo-joo, dù trước đó lực lượng y tế tuyến đầu và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã kêu gọi chính phủ tạm hoãn triển khai chiến lược “trở lại trạng thái bình thường”, song chính phủ Hàn Quốc đã bác bỏ. Hậu quả số bệnh nhân nguy kịch và tử vong đã gia tăng.
Giáo sư Eom Joong-sik tại Trung tâm Y tế Đại học Gachon cũng cho rằng, chính phủ Hàn Quốc nên ban hành các quy định phòng bệnh mạnh tay hơn.
“Để kiểm soát sự lây lan của virus trong thời gian ngắn, các biện pháp mạnh mẽ hơn là cần thiết để ngăn người dân tham gia những hoạt động tụ tập xã hội và tôn giáo đông người”, ông Eom nói với CBS rằng, chính phủ có thể áp đặt các biện pháp ở cấp phong tỏa như buộc nhiều cơ sở phải dừng hoạt động sau 18h.
Sau hai tuần xuất hiện, mức độ nguy hiểm của Omicron vẫn là 'ẩn số'
Mức độ nghiêm trọng, khả năng gây bệnh nặng, nguồn gốc của Omicron vẫn đang là ẩn số với giới khoa học, dù biến chủng đã xuất hiện được 2 tuần.
Minh Thu (lược dịch)