Phát thịt lợn ôi thiu vào khu phong tỏa, 2 quan chức Trung Quốc ‘mất ghế’
Phát thịt lợn ôi thiu cho các khu dân cư bị phong tỏa, 2 quan chức ở Thượng Hải bị cách chức và 4 thương lái bị bắt giữ để điều tra mở rộng.
Hai quan chức ở thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đã bị cách chức và tiếp tục bị điều tra mở rộng, sau khi người dân báo cáo họ nhận được những sản phẩm thịt lợn không đảm bảo chất lượng mà chính quyền địa phương phân phối trong thời gian thực hiện lệnh phong tỏa. Bốn thương lái được xác định liên quan tới bê bối trên cũng đang bị điều tra.
Tân Hoa Xã đưa tin, hôm 19/4, ông Ren Weiping, phó phường Meilong thuộc quận Mẫn Hàng, và ông Li Shuang, Trưởng phòng phát triển kinh tế phường Meilong, đã bị cách chức vì lơ là trách nhiệm.
Nhân viên vận chuyển thực phẩm tới khu dân cư bị phong tỏa ở Thượng Hải. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu) |
Do lỏng lẻo trong khâu giám sát, những sản phẩm thịt lợn không đủ tiêu chuẩn chất lượng đã được phân phối vào các khu dân cư dẫn tới những tác động cực xấu, Tân Hoa Xã nhấn mạnh.
Nhóm thương lái liên quan tới hoạt động cung cấp các sản phẩm thịt lợn cho chính quyền phường Meilong đã bị cảnh sát bắt giữ và áp dụng các biện pháp cưỡng chế hình sự.
Sau khi nhận được thông tin tố giác từ người dân địa phương, cảnh sát cùng các ban ngành giám sát và quản lý thị trường đã cùng phối hợp để điều tra vụ việc. Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện số thịt lợn kém chất lượng được chính quyền phường Meilong mua từ một công ty với giá 7,6 triệu nhân dân tệ (1,19 triệu USD). Trên thực tế, số thịt này được thu mua từ một số thương lái với giá hơn 3 triệu nhân dân tệ. Khi nhận được hàng hỗ trợ, người dân nhận thấy thịt lợn có quá nhiều mỡ, mùi lạ và thậm chí đã hỏng.
Cơ quan công an đã xác nhận được 3 nghi phạm dù biết rõ chất lượng thịt lợn không đảm bảo, nhưng vẫn bán với số lượng lớn với giá chiết khấu hoặc bằng giá thị trường. Nghi phạm thứ 4 dù biết 3 đối tượng bán các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nhưng vẫn hỗ trợ tài chính. Toàn bộ 4 người này đã bị bắt giam trước cáo buộc bán các sản phẩm giả mạo và kém chất lượng.
Còn ở Thượng Hải, thông tin 10 ca tử vong vì Covid-19 chỉ trong 2 ngày đã khiến dư luận lo ngại, bởi Thượng Hải là nơi có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 thấp hơn so với các khu vực cấp tỉnh khác ở Trung Quốc.
Các chuyên gia dịch tễ học nhận định với quy mô lãnh thổ rộng lớn và dân số đông, tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 chưa đầy đủ trong nhóm người cao tuổi đang là trở ngại trong tiến trình Trung Quốc xóa bỏ dần các quy định hạn chế để phòng chống dịch bệnh.
Tính tới ngày 19/4, Thượng Hải có 10 ca tử vong vì Covid-19 và bệnh nhân trong độ tuổi từ 60 – 101. Tất cả họ đều chưa tiêm phòng, nguyên nhân tử vong là do bệnh nền, theo tuyên bố của ông Wu Qianyu, quan chức y tế ở Thượng Hải. Kể từ tháng Ba, Thượng Hải đã có hơn 300.000 ca dương tính với Covid-19.
Tỷ lệ người cao tuổi tại Thượng Hải tiêm phòng đầy đủ vắc xin Covid-19 ở mức thấp. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu) |
Dù mỗi ngày số lượng bệnh nhân được đưa ra khỏi các bệnh viện dã chiến vượt qua số ca mới mắc bệnh, nhưng theo các chuyên gia dịch tễ, 10 ca tử vong trong 2 ngày ở Thượng Hải đã nhấn mạnh tới mối nguy hiểm tiềm tàng ở thành phố vốn có tỷ lệ thấp người cao tuổi đã tiêm phòng vắc xin.
Hồi tuần trước, giới chức Thượng Hải thông báo chỉ 62% trong tổng số 3,6 triệu người trên 60 tuổi ở thành phố đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 đầy đủ. Tỷ lệ này ở nhóm trên 80 tuổi chỉ là 15%. Tỷ lệ người cao tuổi đã tiêm mũi tăng cường là 38%.
Trong khi 80% người trên 60 tuổi ở thủ đô Bắc Kinh đã tiêm phòng đầy đủ vắc xin Covid-19, hay như tỉnh Sơn Đông là trên 90%. Tính trên cả nước, tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Trung Quốc tiêm đủ liều vắc xin là 79%.
Chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu, ông Zeng Guang, cựu quan chức tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), cho hay một số khu vực có tỷ lệ người cao tuổi tiêm phòng vắc xin Covid-19 thấp là do trong 2 năm qua, số ca mắc bệnh ở khu vực họ sinh sống ở mức thấp nên “họ không cảm nhận được mức độ cấp thiết phải tiêm ngừa”.
Chuyên gia y tế ở thành phố Quảng Châu là ông Zhuang Shilihe cho biết thêm, mối lo sợ về phản ứng phụ trong nhóm người cao tuổi đã bị lan truyền rộng rãi ở các khu vực phát triển tại Trung Quốc, nơi người già có thể dễ dàng tiếp cận thông tin.
Trong khi đó, tại một hội nghị diễn ra hồi cuối tháng Ba, ông Wang Huaqing, quan chức cấp cao tại CDC, đã nhấn mạnh rằng tỷ lệ người trên 60 tuổi gặp phản ứng phụ sau tiêm vắc xin Covid-19 là thấp hơn so với các nhóm tuổi khác.
Đặc khu hành chính Hong Kong cũng gặp phải tình huống tương tự khi chỉ có khoảng 1/3 người trên 80 tuổi đã tiêm đủ liều vắc xin. Khi biến chủng Omicron hoành hành, Hong Kong chứng kiến số người chết vì Covid-19 tăng nhanh chóng và trong số này 90% bệnh nhân chưa tiêm phòng đầy đủ.
Giới chuyên gia dịch tễ Trung Quốc nhấn mạnh, tăng tỷ lệ tiêm phòng trong nhóm người cao tuổi hiện là một trong những vấn đề cấp bách nhất. Để đẩy số lượng người đi tiêm, theo ông Zhang, chính quyền địa phương cần áp dụng các chiến dịch tuyên truyền và khuyến khích.
Điển hình, một số siêu thị ở Bắc Kinh đang tặng miễn phí thực phẩm, rau xanh và mã giảm giá cho người trên 60 tuổi, nếu như họ đã tiêm phòng vắc xin Covid-19. Thành phố Quảng Châu còn cử nhân viên y tế tới tận nhà thăm khám và tiêm phòng cho người cao tuổi.
Hết dột nước đến sập trần nhà tại khu cách ly dã chiến ở Trung Quốc
Nhiều người dân Thượng Hải phàn nàn về chất lượng sống tại các khu cách ly tập trung dã chiến như bị dội nước và sập trần vì mưa lớn.
Minh Thu (lược dịch)