Nữ nhân viên mang cây lau nhà vào phòng đánh sếp để đòi lại công lý
Sau 3 lần nhận tin nhắn quấy rối, cô Zhou tức giận cầm cây lau nhà vào tận phòng làm việc đánh sếp để đòi lại công lý.
Một nữ nhân viên hành chính ở phía đông bắc Trung Quốc trở thành hiện tượng mạng xã hội khi là nhân vật chính trong video cầm cây lau nhà vào tận phòng làm việc để đánh cấp trên.
Nguyên nhân khiến cô gái làm như vậy là vì cô đã nhận được những tin nhắn quấy rối từ người sếp của mình. Quá tức giận, cô gái cầm cả cây lau nhà vào tận phòng làm việc của sếp để đánh. Không chỉ đánh kẻ quấy rối, cô còn dùng cây lau nhà lia hết đồ vật trên bàn và trong phòng khiến người đàn ông trong video tỏ vẻ hoảng sợ.
Đoạn video dài 14 phút cho thấy, cô Zhou ném chồng xách vào mặt của ông sếp họ Wang. Cô còn hắt nước vào mặt sếp và dùng cây chổi lau nhà để đánh. Người đàn ông cố gắng dùng tay để che mặt và liên tục nói lời xin lỗi. Người này cho biết bản thân chỉ muốn gửi tin nhắn trêu đùa chứ không có ý quấy rối.
Vụ việc không được nói rõ là xảy ra khi nào, nhưng truyền thông địa phương cho hay cô Zhou đã trình báo sự việc tới cảnh sát vào tuần trước và cáo buộc ông Wang có hành vi quấy rối.
Đoạn video “đòi lại công lý” của cô Zhou được công bố trong tuần này đã thu hút hàng triệu lượt xem và nhận được nhiều bình luận ủng hộ cần lên án vấn nạn quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Thậm chí, nhiều người đã gọi cô Zhou là người hùng bảo vệ pháp luật và một chiến binh thực thụ.
Cô Lu Pin, một nhà hoạt động bảo vệ nữ quyền ở Trung Quốc, cho biết nhiều người xem video có chung nhận định những kẻ quấy rối rất hiếm khi phải đi giải trình, trong khi nạn nhân luôn cảm thấy bất lực khi đi trình báo hoặc lo lắng sẽ bị trả thù.
“Phần lớn các trường hợp, phụ nữ buộc phải im lặng bởi rất khó có thể điều tra về các vụ quấy rối tình dục. Phụ nữ thường phải tự ra tay để bảo vệ mình, hành động của cô Zhou đã thu hút được sự quan tâm lớn, nhưng nó cũng không phải là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân”, cô Lu nói.
Trong video đăng tải, cô Zhou cho hay ông sếp Wang đã 3 lần gửi tin nhắn mà cô không mong muốn và những người khác trong văn phòng làm việc cũng từng nhận được những tin nhắn như vậy.
Truyền thông địa phương cho hay, cảnh sát đã tiếp nhận đơn trình báo của cô Zhou vào tuần trước và đang tiến hành điều tra.
Truyền thông quốc gia Trung Quốc xác nhận người đàn ông bị đánh trong video là Phó Giám đốc Phòng Xóa đói giảm nghèo ở quận Bắc Lâm tại thành phố Tuy Hóa thuộc tỉnh Hắc Long Giang.
Tân Hoa Xã đưa tin, cuộc điều tra nội bộ đã được tiến hành xác minh ông Wang “vi phạm kỷ luật đảng” và bị cách chức.
Nữ nhân viên không bị kỷ luật và các quan chức địa phương nói rằng, cô Zhou bị “bệnh tâm thần” chưa rõ. Vụ việc vẫn chưa được đưa tin thêm.
Vào năm 2015, Trung Quốc đã ban hành bộ luật ngăn chặn tình trạng quấy rối tình dục và các nạn nhân có quyền tố cáo cấp trên phạm tội. Trong những năm gần đây, hàng loạt quy định mới cũng được thông qua để “ngăn chặn và kiểm soát” các vụ quấy rối tình dục.
Song theo ông Darius Longarino, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Luật Yale, rất ít nơi áp dụng các chính sách ngăn chặn quấy rối tình dục ở nơi làm việc.
“Có quá ít vụ kiện chống lại những kẻ quấy rối và cũng có quá ít vụ kiện thành công chống lại đối tượng quấy rối. Nếu như vụ việc quấy rối không có người chứng kiến, tòa án thường phán rằng vụ việc thiếu bằng chứng cần thiết để chứng minh hành vi quấy rối đã xảy ra”, ông Longarino cho hay.
Hàn Quốc: 90% nạn nhân tố cáo quấy rối tình dục nơi công sở bị trả thù
Nghiên cứu của một tổ chức phi chính phủ ở Hàn Quốc cho thấy, 9/10 nạn nhân đứng ra tố cáo bị tấn công tình dục nơi công sở lại bị trả thù.
Minh Thu (lược dịch)