Người giàu nhất hành tinh ‘đá xoáy' thuế tỷ phú của ông Biden
Người sáng lập Tesla, tỷ phú giàu nhất hành tinh Elon Musk, mới đây đã ám chỉ về việc bán cổ phần mới của mình trong công ty để đáp ứng yêu cầu của Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ Bernie Sanders về việc đánh thuế giới siêu giàu.
Theo đó, hôm thứ Bảy (13/11), thượng nghị sĩ Sanders đã đăng một thông điệp trên trang Twitter của mình nói về sự cần thiết của “những người siêu giàu phải trả phần thuế công bằng của họ”.
“Bạn có muốn tôi bán thêm cổ phiếu không, Bernie? Chỉ cần nói với tôi”, tỷ phú giàu nhất hành tinh viết trong phần bình luận dưới dòng tweet của ông Sanders.
Ngoài ra, doanh nhân người Mỹ gốc Nam Phi cũng trả lời, ông đã quên mất “thượng nghị sĩ vẫn còn sống”.
Người giàu nhất thế giới tỷ phú Elon Musk. (Ảnh: AP) |
Trước đó, vào cuối tháng 10, tỷ phú Elon Musk cũng chỉ trích “thuế đánh vào tỷ phú” do đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đề xuất.
Cụ thể, ông Musk đã trả lời một tweet đề xuất mẫu cho một lá thư cử tri gửi đến đại diện Quốc hội. Trong thư, các nhà lập pháp kêu gọi không ủng hộ đề xuất của Thượng nghị sĩ Ron Wyden về việc đánh thuế các khoản thu nhập từ vốn chưa thực hiện.
Tác giả của bức thư viết rằng, “nếu bạn bắt đầu đánh thuế sự tăng trưởng tài sản của các tỷ phú, chẳng bao lâu nữa Quốc hội sẽ đánh vào các triệu phú và sau đó là những chủ sở hữu của các khoản đầu tư khá khiêm tốn”.
“Chính xác là như vậy. Cuối cùng, họ sẽ tiêu hết tiền của người khác và sau đó sẽ đến tìm bạn”, tỷ phú Tesla trả lời trên Twitter.
Các tỷ phú Mỹ sẽ trả thuế đối với lợi nhuận chưa thực hiện từ tài sản của họ để hỗ trợ tài chính cho chính sách xã hội mới của Tổng thống Joe Biden và các hoạt động lập pháp về biến đổi khí hậu. Đề xuất được người đứng đầu đảng Dân chủ ở Thượng viện về chính sách thuế công bố hôm thứ Tư.
“Thuế tỷ phú”, do Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden công bố, là một phần của chiến lược lập pháp gồm 2 hướng, bao gồm cả mức thuế doanh nghiệp tối thiểu được đề xuất là 15% đối với các tập đoàn có lợi nhuận cao nhất của Mỹ.
Thượng Nghị sĩ Wyden và các nhà lập pháp khác, bao gồm Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren, nói rằng, luật này nhằm hạn chế việc tránh thuế của các tập đoàn và những người giàu có, đồng thời có thể tạo ra hàng trăm tỉ USD để chi trả cho kế hoạch “Xây dựng trở lại tốt hơn” của Tổng thống Biden, dự kiến khoảng 1,5 nghìn tỉ USD và 2 nghìn tỉ USD.
“Thuế tỷ phú” có hiệu lực vào năm thuế 2022 sẽ ảnh hưởng đến khoảng 700 người nộp thuế với tài sản trên 1 tỉ USD hoặc có thu nhập hàng năm đạt 100 triệu USD trong 3 năm liên tiếp.
Theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, kế hoạch trên rất hấp dẫn nhưng nó có thể chỉ mang lại từ 200-250 tỉ USD, đòi hỏi đảng Dân chủ phải dựa vào các nguồn thu khác để chi trả đầy đủ cho kế hoạch chi tiêu của họ.
“Thuế tỷ phú” qui định áp thuế suất 23,8% đối với thu nhập vốn dài hạn đối với các tài sản có thể giao dịch như cổ phiếu tăng giá trị trong năm, cho dù chúng đã được bán hay chưa. Nó cũng sẽ cho phép người nộp thuế khấu trừ các tổn thất đối với tài sản.
Đồng thời, “thuế tỷ phú” cũng sẽ áp dụng đối với cổ phần sở hữu của các tỷ phú trong các doanh nghiệp được kết hợp dưới dạng thực thể chuyển nhượng và ủy thác bao gồm cả ủy thác đầu tư bất động sản.
Quốc gia đầu tiên phê duyệt thuốc điều trị Covid-19 Evusheld của AstraZeneca: Ngăn ngừa lây nhiễm, điều trị bệnh
Hãng thông tấn Bahrain (BNA) đưa tin, các nhà chức trách nước này đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp thuốc Evusheld (còn gọi là AZD7442) do công ty AstraZeneca của Anh-Thụy Điển sản xuất để chữa trị cho bệnh nhân Covid-19.
Thanh Bình (lược dịch)