Người Anh bắt đầu tích trữ lương thực do giá cả tăng cao
Giá thực phẩm, năng lượng và các hàng hóa khác liên tục tăng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga đang buộc người Anh phải mua thực phẩm và nhu yếu phẩm để sử dụng trong tương lai.
Daily Telegraph trích dẫn dữ liệu từ một nghiên cứu được thực hiện bởi Barclaycard lưu ý rằng hầu hết người Anh thường mua mì ống, đồ hộp, trà, cà phê, sản phẩm tẩy rửa, giấy vệ sinh, cũng như thuốc, đặc biệt là paracetamol.
Ngoài ra, do giá nhiên liệu tăng, nhiều người lái xe đang cố gắng ít sử dụng phương tiện giao thông cá nhân hơn.
Trước đó, hôm 11/4, có thông tin cho rằng Vương quốc Anh có nguy cơ đối mặt với mức sống sụt giảm tồi tệ nhất kể từ những năm 1950 do các lệnh trừng phạt chống Nga khiến giá năng lượng tăng cao.
Người Anh bắt đầu tích trữ lương thực do giá cả tăng cao. (Ảnh: Global Look Press) |
Các chuyên gia dự đoán thu nhập của người Anh trong năm sẽ giảm 3% (so với năm ngoái) do giá điện cao hơn, giá nhiên liệu kỷ lục và lạm phát gia tăng.
Hôm 3/4, cũng có thông tin cho rằng tại Anh, giá thực phẩm đang tăng chóng mặt trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, giá rau và trái cây đã tăng 30%, dầu thực vật tăng 70%.
Ở Anh, trong giai đoạn từ tháng 2/2021 đến tháng 2/2022, tỷ lệ lạm phát là 6,2%.
“Mức sống ở Anh đang tăng giá với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm. Đến cuối năm nay, mức tăng giá sinh hoạt có thể được tính bằng hai con số”, BBC cho biết.
Theo chuyên gia lương thực Ged Futter, lạm phát thực phẩm có thể vượt quá 15% và những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến việc tăng giá cao một cách đáng sợ. Một trong những nguyên nhân của điều này là do giá nhiên liệu tăng, tác động đến nguồn cung nông sản.
Mới đây, Cơ quan quản lý năng lượng Anh (Ofgem) đã chính thức cho phép tăng 50% hóa đơn của các hộ gia đình. Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ phải chi nhiều hơn 620 bảng Anh cho tiền điện vào năm 2022 so với năm 2021.
Giáo sư Ibragim Ramazanov đến từ Khoa chính sách thương mại của Đại học Kinh tế Nga mang tên G.V. Plekhanov chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Prime rằng, viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang ngày càng trở nên hiện thực và không ai được hưởng lợi từ nó.
Theo ông Ramazanov, cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra do đứt gãy những mối liên hệ kinh tế và hậu cần liên quan đến nguyên liệu thực phẩm và phân bón, do sự thiếu hụt và giá cả năng lượng ngày càng tăng.
Ông Ramazanov nhắc lại rằng Nga là một trong những nước xuất khẩu chính các loại nguyên liệu thô để sản xuất ngũ cốc, phân bón, năng lượng và trong điều kiện hiện tại của nước này không thể bù đắp được sự thiếu hụt lương thực dự kiến sẽ xảy ra trên thế giới.
Đồng thời, chuyên gia này cho hay, hiện không có nguồn cung cấp nào có thể hoàn toàn thay thế Nga trên thị trường thực phẩm, phân bón và năng lượng thế giới. Mặc dù thực tế ngoài Nga còn có những nguồn cung cấp ngũ cốc khác cho thị trường thế giới như Canada, Mỹ, Pháp, Australia, Ukraine, Argentina, Romania và một số quốc gia khác, nhưng ông Ramazanov dự đoán sản lượng nguyên liệu thô ở các nước này cũng giảm sút do thiếu hụt và tăng giá phân bón, năng lượng và dịch vụ hậu cần.
Cũng theo giáo sư người Nga, không có điều kiện tiên quyết nào đảm bảo một số nước xuất khẩu lương thực nào đó có thể thắng thế trong tình hình hiện nay.
Thanh Bình (lược dịch)
Nạn trộm cắp xăng dầu ở Mỹ gia tăng
National Interest đưa tin, giá xăng trung bình ở Mỹ vẫn hơn 4 USD/gallon (khoảng 3,7 lít), vì vậy một số người Mỹ liều lĩnh đang ăn cắp xăng từ các trạm xăng để sử dụng cho mục đích cá nhân và bán lại.