Mỹ đưa quân tới Đài Loan đồn trú, Trung Quốc sẽ làm gì?
Giới học giả nhận định Trung Quốc có thể sẽ cho cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ, nếu như Mỹ điều binh sĩ tới Đài Loan đồn trú.
Một học giả Mỹ cho hay, dù Trung Quốc đang tăng cường hành động khiêu khích quân sự ở eo biển Đài Loan, nhưng nếu Mỹ điều động binh sĩ tới Đài Loan đồn trú, động thái này có thể khiến Bắc Kinh tức giận và quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington.
Theo CNA, trong diễn đàn trực tuyến được Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington tổ chức hôm 22/10, khả năng binh sĩ Mỹ được huy động tới Đài Loan đã được đưa ra thảo luận.
Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tập trận. (Ảnh: Asia Times) |
Theo ông Richard C. Bush, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Brookings, việc binh sĩ Mỹ hoạt động ở Đài Loan có thể giúp quân đội Đài Loan có thêm ưu thế, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt các mối quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington.
Vào thời điểm gần cuối diễn đàn, một câu hỏi được đặt ra là “Bạn đánh giá như thế nào về khả năng quân đội Mỹ hiện diện ở Đài Loan?”.
Ông Michael Green, Phó Chủ tịch của CSIS phụ trách châu Á và Nhật Bản nhận định, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đài Loan sẽ giống như cơ chế kích hoạt thụ động. Nói cách khác, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đài Loan là nhằm đảm bảo binh sĩ Mỹ sẽ tham gia vào bất cứ cuộc chiến nào xảy ra ở Đài Loan.
Nhưng ông Green nhấn mạnh, “tôi không thấy có nhiều lợi ích đối với Mỹ" để đặt các cơ sở quân sự ở Đài Loan. Bởi phần lớn các mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Đài Loan là “chiến thuật vùng xám” nhằm thực hiện hành vi “bắt nạt và cưỡng ép” thông qua tấn công mạng, hăm dọa và giới hạn hoạt động trao đổi, quan hệ giữa Đài Loan với cộng đồng quốc tế.
Cũng theo ông Green, phương án tốt nhất để ngăn chặn hành động bắt nạt như trên là “mở rộng các phương án lựa chọn” như mặt trận kinh tế. Nếu Mỹ ký kết thỏa thuận thương mại với Đài Loan, hành động này sẽ được xem như biện pháp “ngăn chặn và đảm bảo mạnh mẽ”.
Ngoài ra, ông Green cho rằng nếu Mỹ tiến tới thiết lập các căn cứ quân sự ở Đài Loan một cách nhanh chóng, các quốc gia khác sẽ không ủng hộ. Do đó, hành động của Mỹ trở thành vô ích.
Ông Green kết luận, theo chiến thuật vùng xám mà Trung Quốc đang thi hành, mọi động thái đơn phương từ phía Mỹ sẽ khiến các quốc gia đồng minh của Washington như Nhật Bản bị bỏ lại phía sau và “không những không có lợi mà còn có hại cho Mỹ”. Theo ông Green, huy động quân đội tới Đài Loan “là điều không nên bàn vào thời điểm hiện tại”.
Còn theo ông Bush, việc Mỹ đưa quân tới Đài Loan đồn trú sẽ làm nảy sinh hai vấn đề. Thứ nhất, nếu quân đội Mỹ hiện diện ở Đài Loan, quân đội Đài Loan sẽ tiết kiệm được khoảng thời gian từ nhiều tuần cho tới nhiều tháng trước khi quân đội Mỹ có thể huy động toàn lực lượng tới hỗ trợ. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến Đài Loan tự mãn và dựa dẫm vào năng lực của quân đội Mỹ. Nói cách khác, Đài Loan có thể dựa vào sức mạnh quốc phòng của quân đội Mỹ và không chi thêm tiền để trang bị vũ khí cũng như nâng cao năng lực để đối phó với mọi mối đe dọa từ bên ngoài.
Thứ hai, theo ông Bush, một trong những điều kiện mà Trung Quốc từng đặt ra để bình thường hóa quan hệ với Mỹ trong thập niên 70 là Mỹ di dời lực lượng và căn cứ khỏi Đài Loan. Theo ông Bush, nếu Mỹ đưa quân tới Đài Loan, “Bắc Kinh sẽ cảm thấy áp lực cực lớn và sẽ quyết định cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao với Mỹ”.
Đáng nói, ông Green nhấn mạnh trong hoàn cảnh xuất hiện cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở eo biển Đài Loan, Giám đốc Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT) sẽ cho tiến hành hoạt động sơ tán các nhân viên. Và một khi kế hoạch được kích hoạt, lực lượng không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ sẽ được điều động tham gia. AIT được xem là cơ sở đại diện của Mỹ ở Đài Loan.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần nhấn mạnh sẵn sàng dùng biện pháp mạnh để sáp nhập Đài Loan vào đại lục nếu cần thiết. Bắc Kinh cũng khẳng định Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung”.
Dù Washington và Đài Bắc không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Mỹ hiện là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Đài Loan trên trường quốc tế và còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.
Trung Quốc phản đối Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan
Cũng trong ngày 22/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố Mỹ cần chấm dứt chính sách bán vũ khí cho Đài Loan. Tuyên bố của ông Zhao được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn thương vụ bán lô vũ khí trị giá 1,8 tỉ USD cho Đài Loan. Thương vụ này vẫn đang chờ Quốc hội Mỹ phê duyệt cuối cùng.
“Thương vụ này can thiệp nghiêm trọng vào chuyện nội bộ của Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích an ninh và chủ quyền của Trung Quốc, gửi tín hiệu sai nghiêm trọng tới các lực lượng muốn giành độc lập ở Đài Loan và ảnh hưởng xấu tới các mối quan hệ Mỹ - Trung cùng nền hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, ông Zhao nhấn mạnh.
“Trung Quốc sẽ có phản ứng pháp lý và cần thiết tùy theo diễn biến của tình hình”, ông Zhao nói nhưng không nhắc tới chi tiết phản ứng mà Trung Quốc có thể đưa ra để đáp trả Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Về phần mình, người đứng đầu Cơ quan Quốc phòng Đài Loan Yen De-fa đã gửi lời cảm ơn tới Mỹ và nhấn mạnh gói cung cấp vũ khí trị giá 1,8 tỉ USD sẽ giúp cải thiện năng lực quốc phòng của Đài Loan khi đối mặt với “mối đe dọa từ kẻ thù và tình hình mới”. Tuy nhiên, ông Yen khẳng định Đài Loan không muốn xảy ra đối đầu quân sự.
“Chúng tôi không muốn chạy đua quân sự với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ vẫn thực hiện kế hoạch chiến lược xây dựng năng lực phòng thủ vững chắc để bảo vệ lợi ích”, ông Yen nói.
Lô vũ khí trị giá 1,8 tỉ USD mà Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức trình lên Quốc hội nước này bao gồm 11 hệ thống rocket pháo binh có tính cơ động cao (HIMARS) có giá 436,1 triệu USD, 135 tên lửa AGM-84H giá 1 tỉ USD và 6 bộ cảm biến bên ngoài MS-110 Recce trang bị cho tiêm kích F-16 của Đài Loan có giá 367,2 triệu USD.
Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc đánh bắt trong vùng biển Nhật Bản
Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc đã phớt lờ yêu cầu rời khỏi vùng biển giàu trữ lượng cá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi bờ biển phía tây bắc Nhật Bản.
Minh Thu (lược dịch)