Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc đánh bắt trong vùng biển Nhật Bản
Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc đã phớt lờ yêu cầu rời khỏi vùng biển giàu trữ lượng cá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi bờ biển phía tây bắc Nhật Bản.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong khi đó, Cơ quan Ngư nghiệp ở Tokyo buộc phải đưa ra khuyến cáo các tàu cá Nhật Bản nên hoạt động ở vùng biển khác để tránh xảy ra va chạm.
Trong tuyên bố hôm 21/10, Cơ quan Ngư nghiệp cho biết tính tới cuối tháng Chín, lực lượng tàu tuần tra nước này đã yêu cầu 2.589 tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Nhật Bản nằm quanh ngư trường Yamatotai. Con số này tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tàu hải cảnh Nhật Bản xuất hiện gần tàu cá Trung Quốc. (Ảnh: Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản) |
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản xác nhận trong năm nay tính tới ngày 16/10, các tàu hải cảnh Nhật Bản đã yêu cầu 102 tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển Nhật Bản. Trong khi vào năm 2019, con số này chỉ là 12 tàu.
Vùng biển Yamatotai, nằm cách bán đảo Noto khoảng 350 km, là ngư trường truyền thống của các ngư dân Nhật Bản để đánh bắt mực và cua trong những tháng mùa thu.
Trong những năm trước, chính phủ Nhật Bản từng đối mặt với tình trạng tương tự khi các tàu cá Triều Tiên tới vùng biển giàu trữ lượng hải sản để đánh bắt. Cụ thể, 4.000 tàu Triều Tiên đã được phía Nhật Bản yêu cầu rời khỏi vùng biển Yamatotai. Trong một số trường hợp, tàu Nhật Bản buộc phải dùng vòi rồng để xua đuổi tàu Triều Tiên.
Căng thẳng giữa hai bên bị đẩy lên cao, sau khi một tàu hải cảnh Nhật Bản va chạm với một tàu Triều Tiên vào tháng 10 năm ngoái. Hậu quả, tàu Triều Tiên bị chìm và 60 thuyền viên trên tàu đã được đưa lên các tàu cá khác của Triều Tiên.
Còn trong năm nay, tàu hải cảnh Nhật Bản mới chỉ 1 lần xảy ra va chạm với tàu Triều Tiên. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, với sự xuất hiện của hàng ngàn tàu cá Trung Quốc, va chạm dường như là điều khó tránh khỏi.
Ông Akitoshi Miyashita, Giáo sư chuyên ngành các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Tokyo nhận định, chính phủ Nhật Bản đã mắc phải sai lầm khi ban hành hướng dẫn ngư dân nước này rời khỏi ngư trường truyền thông để tránh va chạm.
“Các tàu Trung Quốc hoạt động trong khu vực càng lâu thì càng khó đuổi họ đi. Chính phủ Nhật Bản cần làm điều gì đó để buộc các tàu cá Trung Quốc rời khỏi khu vực bởi nếu họ không bị thách thức, họ vẫn sẽ ở lại và việc hoạt động ở các vùng biển khác cũng sẽ thành điều tất nhiên. Nói cách khác, chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng nhiều tàu Trung Quốc tiến sâu vào vùng biển Nhật Bản”, ông Miyashita chia sẻ.
Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, có nhiều lý do khiến các tàu Trung Quốc xuất hiện số đông ở phía đông bắc Nhật Bản. Một trong những giả thuyết này là Trung Quốc đang muốn thử phản ứng của Nhật Bản đối với vấn đề chủ quyền và xem lực lượng hải cảnh Nhật Bản có dám dùng vũ lực để bảo vệ sự hợp nhất lãnh thổ hay không.
Về phần mình, ngư dân hoạt động ở ngư trường truyền thống Yamatotai đã vô cùng tức giận khi được khuyến cáo rời khỏi khu vực để tránh va chạm cũng như phản ứng yếu ớt của chính phủ Nhật Bản trước tình hình hiện nay.
“Chính phủ Nhật Bản cần có phản ứng mạnh mẽ hơn để các tàu cá Nhật Bản quay trở lại ngư trường đánh bắt”, ông Hiroshi Kishi, Chủ tịch Liên đoàn hợp tác xã nghề cá Nhật Bản nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kishi, tới nay chính phủ Nhật Bản chưa có bất cứ tuyên bố nào về việc sẽ điều động thêm tàu hải cảnh để bảo vệ vùng biển Yamatotai nhằm giúp các ngư dân an tâm đánh bắt, cũng như ngăn chặn các tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển quốc gia.
Ấn Độ sắp soán ngôi Nhật Bản trên phương diện gì?
Nền kinh tế Ấn Độ có thể vươn từ vị trí thứ 5 lên thứ 3 thay thế Nhật Bản trong danh sách các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới trong 30 năm tới.
Minh Thu (lược dịch)