Lầu Năm Góc sẽ xem xét các quy tắc xử lý đặc biệt với chiếc vali hạt nhân
Trong những tuần gần đây, báo chí Mỹ và thế giới tràn ngập những thông tin suy đoán của các chuyên gia về sự an toàn của chiếc vali hạt nhân, thứ đã liên tục đồng hành cùng các Tổng thống Mỹ kể từ thời Dwight Eisenhower.
Theo đó, vấn đề này được nêu ra sau ngày 6/1 năm nay, khi một đám đông những người ủng hộ ông Donald Trump xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ và chỉ cách vài chục mét với sĩ quan phụ trách chiếc vali hạt nhân của Phó tổng thống Mike Pence.
Ngoài vụ tấn công vào Điện Capitol, sự an toàn của chiếc vali hạt nhân cũng bị đặt dấu hỏi về một sự cố trong chuyến thăm chính thức của ông Trump tới Bắc Kinh vào năm 2017.
Trang tin Axios (Mỹ) dẫn các nguồn cấp cao ở Washington cho biết, vụ việc xảy ra vào ngày 9/11/2017, khi đó Tổng thống Trump đến Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
Chiếc vali hạt nhân của Mỹ tỏ ra dễ bị tổn thương hơn so với dự đoán. (Ảnh: Reuters) |
Khi đó, cố vấn quân sự mang hạt nhân định bước vào Đại lễ đường Nhân dân thì bị lực lượng an ninh Trung Quốc chặn lại. Theo quy trình của Nhà Trắng, quan chức này và một bác sĩ luôn phải túc trực bên tổng thống.
Ngay khi được thông báo tình hình, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly lập tức đến sảnh tiếp đón, ra lệnh cho cố vấn tiếp tục bước tới và nói với phái đoàn Mỹ rằng: “Chúng ta sẽ di chuyển vào bên trong”.
Tuy nhiên, một nhân viên an ninh Trung Quốc tóm lấy Chánh văn phòng Nhà Trắng và ông gạt tay người này ra. Thấy vậy, nhân viên Mật vụ Mỹ nhanh chóng tiến đến, vật ngã nhân viên an ninh Trung Quốc xuống sàn.
Vụ xô xát nhanh chóng kết thúc và các quan chức Mỹ được yêu cầu giữ im lặng về sự cố. Chiếc cặp hạt nhân không bị phía Trung Quốc đụng vào, sau đó quan chức phụ trách đội an ninh của nước này đã xin lỗi “vì sự hiểu lầm”.
Được biết, chiếc vali hạt nhân luôn theo sát tổng thống trong mọi tình huống và luôn cách ông vài bước chân. Nó được cầm bởi một sĩ quan, người phải vượt qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt nhất và kể cả lý lịch lẫn tư cách, phẩm chất, phải là người Mỹ da trắng (Yankee White).
Khi làm việc, sĩ quan này được trang bị vũ khí và luôn luôn mang vali ở tư thế tổng thống có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Trọng lượng của chiếc vali khoảng 20 kg. Chiếc vali thứ hai được giao cho phó tổng thống và chiếc thứ ba được giữ trong Nhà Trắng.
Theo các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Mỹ có liên quan trực tiếp đến vũ khí hạt nhân, chiếc vali chứa một máy phát vô tuyến vệ tinh và các tài liệu để tổng thống đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.
Các tài liệu này bao gồm mô tả ngắn gọn về các lựa chọn tấn công có thể xảy ra và các khuyến nghị về hành động tiếp theo trong tình trạng khẩn cấp sau một cuộc tấn công hạt nhân và trả đũa. Bên cạnh đó, các tài liệu này được biên soạn bởi Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
Ý tưởng thành lập một bảng điều khiển lực lượng hạt nhân chiến lược có thể di động được nảy sinh sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Khi đó, Tổng thống John Kennedy lo ngại những lãnh đạo cực đoan ở Washington có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Liên Xô mà không được ông chấp thuận.
Sau cuộc khủng hoảng, ông Kennedy đã ra lệnh xem xét lại hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của Mỹ. Một bản ghi nhớ tuyệt mật về các biện pháp an ninh quốc gia đã được ký kết, trong đó quy định việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, ông Kennedy cũng muốn có khả năng phát động một cuộc tấn công hạt nhân ở bất cứ nơi nào. Đó là lý do chiếc vali hạt nhân ra đời.
Nhiều quốc gia bắt đầu tiêm vắc-xin Covid-19 cho thanh thiếu niên
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã cập nhật các hướng dẫn về phòng chống Covid-19 và đưa thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi vào danh sách các nhóm cần tiêm phòng vắc-xin Covid-19.
Thanh Bình (lược dịch)