Giá dầu vượt 100 USD/thùng, giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh do tình hình Ukraine
RIA dẫn thông tin từ sàn giao dịch ICE London (Anh) cho hay, giá khí đốt kỳ hạn tháng 3 ở châu Âu đạt 1.400 USD/ nghìn mét khối trong quá trình giao dịch.
Theo đó, vào đầu ngày 24/2, giá khí đốt là 1.170 USD/nghìn mét khối, nhưng sau một thời gian ngắn, báo giá đã tăng lên 1.389,7 USD. Con số này cao hơn 35% so với giá thanh toán của ngày hôm qua - 1.038,6/nghìn mét khối.
Một ngày trước đó, giá khí đốt kỳ hạn tháng 3 ở châu Âu đã vượt quá 1.000 USD/ nghìn mét khối.
Ông Igor Yushkov, chuyên gia phân tích tài chính của Quỹ an ninh năng lượng quốc gia, Đại học tài chính trực thuộc Chính phủ Nga cho rằng giá khí đốt ở châu Âu tăng trên 1.000 USD/nghìn mét khối là do các yếu tố kỹ thuật và địa chính trị gây ra.
Giá dầu vượt 100 USD/thùng, giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh do tình hình Ukraine. (Ảnh: RIA) |
Trong khi đó, giá dầu Brent của châu Âu trên sàn giao dịch ICE London đã vượt quá giá trong phiên đấu giá hôm 24/2. Vào thời điểm công bố, giá của hợp đồng có ngày hết hạn vào tháng 4 là 102 USD/thùng. Tăng trưởng trong ngày qua lên tới 5,4%. Đây là lần đầu tiên tiêu chuẩn giá dầu Brent thế giới vượt mốc 100 USD kể từ tháng 9/2014.
Giá dầu WTI của Mỹ tại cùng thời điểm công bố là 96,88 USD/thùng. Tăng trưởng trong ngày qua lên đến 5,2%.
Ngoài ra, trong bối cảnh đồng ruble mất giá nghiêm trọng Ngân hàng Trung ương Nga quyết định bắt đầu can thiệp vào thị trường ngoại hối để ổn định tình hình trên thị trường tài chính.
“Để ổn định tình hình trên thị trường tài chính, Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định bắt đầu can thiệp vào thị trường ngoại hối, mở rộng danh sách thanh toán và tiến hành các hoạt động ngay hôm nay để cung cấp thêm thanh khoản cho khu vực ngân hàng”, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo.
Trong thời gian giao dịch, đồng euro đạt mức tối đa 101,07 ruble, đồng USD ở mức 89,9 ruble. Trước đó, giao dịch trên thị trường chứng khoán Moscow và Saint Petersburg đã bị dừng lại. Những biến động này xảy ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass”.
Cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang cũng khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo. Trong phiên giao dịch ngày 24/2, các chỉ số chính ở châu Á-Thái Bình Dương đều sụt giảm. Cụ thể, chỉ số Nikkei tại Tokyo giảm 1,9%, chỉ số ASX ở Sydney giảm 3%, Hang Seng giảm 2,82%.
Bloomberg ghi nhận, giá cả của mọi thứ, từ dầu mỏ, ngũ cốc đến kim loại đã tăng lên do lo ngại rằng dòng chảy hàng hóa sẽ bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều đó báo trước những thách thức mới cho sự phục hồi toàn cầu vốn đã phải vật lộn với áp lực giá cả tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Trước đó, theo tuyền thông Nga đưa tin, trong bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đã quyết định mở một chiến dịch đặc biệt để bảo vệ vùng Donbas, tức khu vực phía Đông của Ukraine. Động thái này của người đứng đầu điện Kremlin diễn ra chỉ vài phút sau khi Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Gutteres kêu gọi Nga không động binh.
Ông Putin nói rằng, Nga không có ý định chiếm Ukraine, đồng thời kêu gọi binh sĩ Ukraine hạ vũ khí và trở về nhà. Ông cũng nói Nga sẽ không để cho Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo nói Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài tự vệ trước những điều mà ông cho là nguy cơ đang nổi lên đối với Nga từ Ukraine thời hiện đại.
Hiện chưa rõ quy mô của chiến dịch quân sự mà ông Putin vừa mở nhằm vào Ukraine thuộc cấp độ nào. Ông Putin tuyên bố Nga sẽ đáp trả ngay lập tức nếu có bất kỳ thế lực bên ngoài nào tìm cách can thiệp vào hành động của Nga.
Thanh Bình (lược dịch)
Phản ứng các bên về hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine
Hôm 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai chiến dịch đặc biệt ở khu vực Donbass, mục đích nhằm bảo vệ các nước cộng hòa mà Moscow mới công nhận, gồm Donetsk và Luhansk.