Đức ‘đáp trả’ Mỹ về mối đe dọa trừng phạt với Nord Stream 2
Người đứng đầu Ủy ban Kinh tế và Năng lượng của Quốc hội Đức, ông Klaus Ernst mới đây đã gửi thư cho các đồng nghiệp người Mỹ kêu gọi từ bỏ việc mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại dự án Nord Stream 2.
Mỹ mất thị trường khí đốt trong cuộc chiến với Nga
RIA đưa tin, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) đã cho phép tàu đặt đường ống chuyên dụng của Nga có định vị neo vào vùng biển nước này để hoàn thiện dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2).
Theo đó, ông Klaus chia sẻ với tờ Süddeutsche Zeitung của Đức cho rằng, việc Mỹ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với dự án đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) có thể so sánh với việc châu Âu can thiệp vào công việc nội bộ của Washington.
Đức ‘đáp trả’ Mỹ về mối đe dọa trừng phạt với Nord Stream 2. (Ảnh: RIA) |
“Các bạn chắc chắn sẽ chống lại những nỗ lực can thiệp vào vấn đề nội bộ của Texas, Wisconsin hoặc Pennsylvania. Về phần châu Âu cũng thế, hy vọng rằng các bạn sẽ tôn trọng những quyết định được thông qua trong Liên minh châu Âu (EU) bằng các biện pháp dân chủ”, ông Klaus nói.
Ông Klaus nhấn mạnh, chính sách trừng phạt mà Washington đang tiến hành, đặt ra sự nghi ngờ về khả năng hợp tác giữa Mỹ và EU, gây tổn hại đến hình ảnh của nước Mỹ. Ngoài ra, chính trị gia người Đức còn gọi các cáo buộc rằng đường ống dẫn khí khiến Đức phụ thuộc vào Nga là không có căn cứ, bởi vì chính phủ Đức đang thực hiện chính sách đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng.
Đồng thời, ông Klaus nhớ lại, mới đây, công ty Uniper - một trong những đối tác của tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga và là nhà đầu tư chính của “Dòng chảy Phương Bắc 2” cho biết, nguồn cung khí đốt từ “Dòng chảy Phương Bắc 2” được dự báo chưa đáp ứng 50% mức tăng nhu cầu đối với mặc hàng nhiên liệu này ở châu Âu. Do đó, công ty năng lượng của Đức có kế hoạch xây dựng một nhà ga để tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại cảng Wilhelmshaven và cũng ủng hộ ý tưởng ký kết hợp đồng vận chuyển 5 năm mới thông qua Ukraine .
“Việc Uniper tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và việc xây dựng nhà ga LNG ở Wilhelmshaven cho thấy tập đoàn Uniper nỗ lực đảm bảo nguồn cung khí đốt cho Đức và châu Âu”, công ty Uniper thông báo.
Trước đó, nghị sĩ Đảng cộng hòa Steve Womack thông báo, thượng viện Hoa Kỳ đã đưa các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” vào dự thảo ngân sách quốc phòng.
Theo ông Womack, chính quyền Nga muốn sử dụng “Dòng chảy phương Bắc-2” như là phương tiện “kiềm chế” với châu Âu, còn mục tiêu của công trình đường ống dẫn là buộc Ba Lan và Ukraine phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga.
Đã được xây dựng hơn 80%, tuyến đường ống “Dòng chảy Phương Bắc 2” ngầm dưới biển nối Nga đến bờ biển Đức sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên của Nga chuyển sang Tây Âu thông qua Đức, quốc gia tiêu thụ chính từ dự án này. Do tập đoàn Gazprom của Nga khởi xướng, hợp tác với các công ty châu Âu: Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall, Dòng chảy phương Bắc 2 có công suất 110 tỉ m3 mỗi năm.
Thanh Bình (lược dịch)