Cá cho Nga hoặc tình bạn với Mỹ, quần đảo Faroe phải lựa chọn
Do sự cạnh tranh toàn cầu trong "cuộc chiến" ở Bắc Cực, Quần đảo Faroe bất ngờ thấy mình ở tâm chấn do vị trí địa lý của họ. Faroe rất quan tâm đến các dự án của Mỹ, Nga và thậm chí cả Trung Quốc.
Trung Quốc nói gì sau khi Mỹ công khai bác bỏ yêu sách ở Biển Đông?
Sau khi Mỹ lần đầu tiên công khai bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, Trung Quốc đã có lời đáp trả.
Tờ Berlingske của Đan Mạch bình luận, sự chú ý như vậy đã đặt quần đảo Faroe vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì có tới 27% sản lượng xuất khẩu cá địa phương sang Nga, do đó, nền kinh tế đang đi ngược lại với chính trị, ngoài ra cũng cần phải duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cá cho Nga hoặc tình bạn với Mỹ, quần đảo Faroe phải lựa chọn. (Ảnh: Pixabay) |
Quần đảo Faroe, một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch với khoảng 50.000 cư dân. Gồm 18 hòn đảo nhỏ, nằm giữa Iceland và Na Uy, quần đảo Faroe là một kỳ quan núi lửa phủ tuyết ở Bắc Đại Tây Dương cùng nguồn tài nguyên thủy hải sản phong phú.
Theo Berlingske, xu hướng hiện nay đối với việc quân sự hóa ở Bắc Cực đã đặt quần đảo Faroe trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cho đến nay các cân nhắc về chiến lược an ninh và quân sự không đóng một vai trò quan trọng trong chính trị địa phương, họ quan tâm nhiều hơn đến nền kinh tế và vấn đề độc lập từ Đan Mạch.
“Tuy nhiên, giờ đây đã trở nên rõ ràng rằng lợi ích kinh tế của Faroe liên quan đến quan hệ thương mại với Nga và Trung Quốc, có thể đi ngược lại lợi ích quân sự của Hoa Kỳ và NATO”, Berlingske lưu ý.
Thực tế là tình hình địa chính trị đã thay đổi đáng kể mà không có mong muốn đặc biệt nào của người Faroe. Trong những năm qua, Bắc Cực đã trở thành một đấu trường cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc thế giới và điều này đặc biệt đúng với Nga và Mỹ. Quần đảo Faroe với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong một trung tâm chiến lược trên trục giữa Greenland, Iceland và Vương quốc Anh, mà các tàu ngầm Nga phải băng qua để hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương. Trục này thậm chí còn được gọi là vượt biên giới Faroe-Iceland.
Trong một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch, Carla Sands đã đến thăm các hòn đảo này nhiều lần trong nhiệm kỳ của mình, điều này rất khác với cách cư xử của nhiều đại sứ trước đây.
“Sự chú ý chính trị bất ngờ như vậy đã đặt quần đảo Faroe trước một tình huống khó xử. Thực tế, đánh bắt cá là ngành công nghiệp quan trọng nhất của Faroe, chiếm 95% tất cả mặt hàng xuất khẩu trên đảo. Và Nga đóng một vai trò quan trọng, theo thống kê năm 2017, sản lượng xuất khẩu sang Nga chiếm tới 27% tổng lượng xuất khẩu cá của người Faroe. Trên thực tế Nga hiện là người tiêu dùng chính của cá Faroe”, các chuyên gia cho biết trong một phân tích của Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch.
Sau năm 2010, lượng cá hồi từ quần đảo này xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh. Vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc đã giảm mua cá từ Na Uy để đáp trả việc giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Liu Xiaobo. Thị trường Trung Quốc hiện chiếm khoảng 7% doanh số bán cá hồi của quần đảo Faroe. Chính phủ Faroe năm 2019 đã mở một văn phòng tại Bắc Kinh để tiếp tục mở rộng thương mại.
Ngoài ra, báo cáo nhấn mạnh rằng, sự chú ý ngày càng tăng từ Nga, Trung Quốc và Mỹ đến Bắc Đại Tây Dương cũng như Bắc Cực có nghĩa là các chính sách an ninh truyền thống đã bị lung lay. Và quần đảo Faroe phải thích ứng với tình hình mới khi lợi ích kinh tế, ở đây là thương mại với Nga và Trung Quốc, đi ngược lại lợi ích của chính sách an ninh.
“Quần đảo Faroe thực sự không muốn bị lôi kéo vào một trò chơi chiến tranh. Họ tập trung vào nghề cá và sống tốt bên ngoài các radar chính trị lớn”, nhà phân tích quân sự Steen Kiergor, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu An ninh Bắc Cực chia sẻ với tờ Berlingske.
Chính sự cân bằng giữa nghề cá và chính trị đã trở thành nền tảng cho các cuộc xung đột trước đây giữa quần đảo Faroe và Đan Mạch. Tờ Berlingske nhớ lại khi năm 2014 Nga tuyên bố tẩy chay cá Đan Mạch để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, quần đảo Faroe đã có thể tránh được cuộc đụng độ này và tiếp tục buôn bán với Moscow. Lệnh trừng phạt không áp dụng cho quần đảo Faroe vì đây không phải là một phần của Liên minh châu Âu (EU).
“Một năm sau, Đan Mạch kêu gọi Faroe “không tận dụng tình hình”.Tuy nhiên, phía Faroe trả lời rằng chính các nước EU đã dừng mọi hoạt động thương mại với Nga và tiếp tục bán cho họ một số hàng hóa của không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt”, báo cáo cho biết.
“Trên thực tế, chính quyền địa phương hoàn toàn không muốn đưa ra khía cạnh cụ thể nào đó vào trong các cuộc xung đột như vậy, bởi vì lựa chọn đó, dù mang lại lợi ích gì vẫn sẽ gây nguy hiểm cho xuất khẩu của Faroe”, Berlingske nhận định.
Thanh Bình (lược dịch)