Đức đánh giá triển vọng ra mắt Nord Stream 2 vào cuối năm 2021
Người đứng đầu Ủy ban Hạ viện về Kinh tế và Năng lượng Đức Klaus Ernst chia sẻ với Izvestia, Berlin khó có thể bắt đầu nhận nhiên liệu thông qua các đường ống của Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) cho đến cuối năm 2021.
Việc Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức kết luận rằng Nord Stream 2 không đe dọa đến an ninh năng lượng ở nước này và Liên minh châu Âu (EU) là một hướng đi quan trọng và đúng đắn. Đồng thời, ông Ernst cũng nghi ngờ việc Đức sẽ có thể bắt đầu nhận khí đốt qua đường ống dẫn khí đốt vào cuối năm nay.
Theo ông Ernst, có 2 lý do giải thích cho điều này. Trước hết, Cơ quan mạng lưới điện liên bang Đức (BNA) phải giải quyết vấn đề chứng nhận dự án vào đầu tháng 1/2022. Sau đó, Ủy ban châu Âu (EC) có 4 tháng nữa để đưa ra phán quyết của mình.
Một đại diện BNA cho hay, Ủy ban châu Âu không có quyền phủ quyết. Tuy nhiên, BNA “nên xem xét ý kiến của EC càng nhiều càng tốt”.
Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giá khí đốt, được cho là có liên quan tới Nga. (Ảnh: Nord Stream 2) |
Trong khi đó, theo ông Jan Nolte, nghị sĩ Đức thuộc Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận của Nord Stream 2 sẽ chỉ kéo dài đến tháng 1/2022, vì vậy hy vọng khởi động đường ống trước năm mới sẽ không thành hiện thực. Nghị sĩ cho biết, “việc kiểm tra sau đó của Ủy ban châu Âu thậm chí còn có vấn đề hơn, vì dự án có nhiều đối thủ chính trị”.
Theo ông Nolte, người tiêu dùng châu Âu đang chịu cảnh giá xăng tăng cao. Việc phê duyệt đường ống này là cần thiết ở Liên minh châu Âu so với bối cảnh chi phí nhiên liệu như hiện nay. Tuy nhiên, “những người ra quyết định khó có thể thay đổi suy nghĩ”.
Ngoài ra, người đứng đầu Ủy ban Hạ viện về Kinh tế và Năng lượng Đức giải thích rằng, chính sách năng lượng của châu Âu được định hình bởi các nhóm lợi ích khác nhau, do đó “một cách tiếp cận thống nhất là không thể”.
Ông Ernst lưu ý, nhiều chính trị gia không muốn công nhận độ tin cậy của Nga với tư cách là một nhà cung cấp năng lượng và sợ trở nên phụ thuộc vào nước này, đồng thời hy vọng vào việc mua khí đốt hóa lỏng từ Mỹ vốn đắt hơn nhiều lần.
Trước đó, Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cho biết, quá trình cấp giấy chứng nhận cho Nord Stream 2 vẫn tiếp tục, hiện vẫn chưa rõ ngày hoàn thành các thủ tục này.
Hôm 3/11, Bloomberg đưa tin, việc cấp giấy chứng nhận Nord Stream 2 có thể bị trì hoãn và hoàn thành vào ngày 8/5/2022. Điều này sẽ xảy ra nếu Ủy ban châu Âu dành ra thời gian tối đa cho các thủ tục (4 tháng) để xem xét vấn đề.
Phản ứng phía Nga
Phía Nga tin rằng việc đưa vào vận hành sớm nhất đường ống dẫn khí đốt có lợi cho người tiêu dùng châu Âu. Ông Konstantin Dolgov, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách kinh tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga nhấn mạnh quyết định về cấp giấy chứng nhận không nên bị trì hoãn lâu.
Nord Stream 2, có khả năng giảm bớt tình trạng thiếu hụt năng lượng ở châu Âu thông qua hoạt động cung cấp thêm khí đốt từ Nga. (Ảnh: Nord Stream 2) |
“Tâm lý của phía Nga là Nord Stream 2 vận hành càng sớm càng tốt, vì đây là dự án quan trọng về mặt thương mại. Các công ty Nga, cụ thể là Gazprom, đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ theo hợp đồng. Bây giờ nó phụ thuộc vào Đức. Với mức độ quan tâm của nước này đối với một dự án đáp ứng các vấn đề an ninh năng lượng, nên cân nhắc về việc khởi động sớm”, ông Dolgov nói.
Theo thượng nghị sĩ, Nord Stream 2 chủ yếu bị cản trở không phải ở Đức, mà ở Ba Lan và các nước Baltic và “sự ồn ào chính trị hóa” này làm xung đột lợi ích của những nước tham gia.
“Sự chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận sẽ chỉ gây hại cho người dân, điều này được chứng minh bằng tình hình thị trường khí đốt châu Âu”, ông Dolgov nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Duma quốc gia Nga Pavel Zavalny cho hay, chỉ thị khí đốt của EU không nên can thiệp vào việc khởi động dự án, vì 50% các kho lưu trữ có thể được lấp đầy ngay bây giờ mà không cần đợi quyết định của cơ quan quản lý.
Trước đó, bà Elena Burmistrova, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom, dự đoán kho dự trữ khí đốt của các nước châu Âu chắc chắn sẽ không được lấp đầy vào mùa đông năm nay.
Phó Chủ tịch cho hay, tính đến giữa tháng 9, lượng phun khí tồn đọng ở châu Âu đã vượt quá 22 tỉ m3. Các chuyên gia châu Âu và châu Á cho rằng, không thể bù đắp được khoảng cách này, dẫn đến tình trạng kích cầu và ảnh hưởng đến giá khí đốt.
Tính đến giữa tháng 10, các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của châu Âu chỉ lấp đầy 71%. Một số quốc gia châu Âu đổ lỗi cho Nga gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại bằng việc không cung cấp thêm khí đốt.
Tuy nhiên, các quan chức Nga chỉ ra một vấn đề khác trên thị trường năng lượng châu Âu. Họ đã nhiều lần nhấn mạnh sự ổn định của các hợp đồng dài hạn trong lĩnh vực năng lượng (trái ngược với sự biến động của doanh số giao ngay) khiến châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng với giá khí đốt phá kỷ lục hồi đầu tháng 10.
Châu Âu lo ngại người tị nạn là ‘mối đe dọa’
Việc dòng người di cư đến các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày càng gia tăng và không thể kiểm soát được là nguyên nhân khiến cho các chính trị gia châu Âu không thực sự cố gắng giải quyết vấn đề này.
Thanh Bình (lược dịch)