Pháp triệu hồi đại sứ ở Mỹ và Australia về nước ngay lập tức vì AUKUS
Không chỉ đưa ra lời chỉ trích gay gắt, Pháp còn triệu hồi đại sứ ở Mỹ và Australia về nước ngay lập tức vì liên minh AUKUS.
Paris cho triệu hồi đại sứ ở Washington và Canberra về nước để tham vấn liên quan tới “thái độ không thể chấp nhận được” của Mỹ, Anh và Australia khi 3 nước ký kết thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân, khiến Australia hủy hợp đồng đóng tàu với Pháp.
“Theo yêu cầu của Tổng thống Emmanuel Macron, tôi quyết định ngay lập tức triệu hồi hai đại sứ ở Mỹ và Australia về Paris để tham vấn”, RT dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian hôm 17/9.
Pháp triệu hồi đại sứ ở Mỹ và Australia về nước ngay lập tức sau khi liên minh AUKUS được tuyên bố thành lập. (Ảnh: AP) |
Theo ông Le Drian, quyết định triệu hồi hai đại sứ ở Mỹ và Australia về nước ngay lập tức được đưa ra sau tuyên bố vào ngày 15/9 “mang tính nghiêm trọng bất ngờ” của Mỹ, Anh và Australia.
Trước đó, Mỹ, Anh và Australia thông báo thành lập liên minh an ninh “lịch sử” mang tên AUKUS nhằm tăng cường năng lực quân sự ở khu vực Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ liên minh, 3 nước sẽ chia sẻ công nghệ quốc phòng hiện đại, đồng thời chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia.
Pháp không chỉ bị cho ra rìa trong liên minh AUKUS, mà nước này còn mất bản hợp đồng trị giá 66 tỉ USD đóng các tàu ngầm truyền thống cho Australia.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, việc từ bỏ thỏa thuận đóng tàu ngầm giữa Canberra và Paris là “thái độ không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác”.
Theo sáng kiến AUKUS, các quan chức hải quân và chuyên gia kỹ thuật của Mỹ, Anh và Australia sẽ làm việc cùng nhau trong vòng 18 tháng để chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia “nhằm tăng cường năng lực răn đe ở dọc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Cho tới nay chỉ có 6 nước vận hành tàu ngầm hạt nhân trang bị vũ khí nguyên tử gồm Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Anh. Nếu như dự án AUKUS thành công, Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân, nhưng không có vũ khí hạt nhân đi kèm.
Pháp nhấn mạnh họ chỉ biết Mỹ, Anh và Australia lập liên minh AUKUS thông qua thông tin báo chí đăng tải, thay vì nhận được thông báo trực tiếp từ Washington hay Canberra. Tuy nhiên, Australia lại tuyên bố họ đã nói “rất rõ ràng” với đối tác về việc thỏa thuận giữa Pháp và Australia có thể bị hủy bỏ.
Song Bộ trưởng Ngoại giao Le Drian và Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Pháp Florence Parly vẫn đưa ra những lời bình luận chỉ trích gay gắt sau khi liên minh AUKUS được công bố ra đời. Thậm chí, Bộ trưởng Le Drian còn gọi đây là “nhát dao đâm sau lưng”.
Khi được hỏi về việc sự ra đời của AUKUS có phải để đối phó với sức mạnh quân sự Trung Quốc hay không, một quan chức Mỹ cho hay động thái này “không nhằm vào bất cứ quốc gia nào” mà chỉ “tăng cường các lợi ích chiến lược, bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ quốc tế và thúc đẩy hoàn bình cũng như ổn định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Ẩn ý của Trung Quốc khi điều 4 tàu chiến tới ngoài khơi bang Alaska của Mỹ?
Trung Quốc dường như muốn chứng minh sức mạnh ngày càng lớn của hải quân nước này bằng cách điều động 4 tàu chiến tới ngoài khơi bang Alaska của Mỹ.
Minh Thu (lược dịch)