Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến châu Âu
Theo Bloomberg, giá khí đốt châu Âu đã tăng gần 500% trong năm qua và đang giao dịch với mức giá gần mốc kỷ lục.
Nhà phân tích thị trường năng lượng nổi tiếng Stephen Stapczynski nhận định, đã quá muộn để tăng nguồn cung đến châu Âu để lấp đầy các cơ sở lưu trữ, có nghĩa là vào thời điểm trước khi bắt đầu mùa sưởi, tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn và chi phí sẽ tăng lên. Nhưng tệ nhất là cuộc khủng hoảng châu Âu đã bắt đầu gây ra nhiều vấn đề trên toàn thế giới, không chỉ ảnh hưởng đến Liên minh châu Âu (EU).
Theo chuyên gia này, châu Âu đúng nghĩa là đang “cầu cho một mùa đông ấm áp”, nếu không, những vấn đề hiện tại có vẻ phù phiếm. Trong vòng một tháng, hàng trăm triệu người sẽ cảm thấy hậu quả của giá nguyên liệu thô cao.
Khủng hoảng năng lượng đang đe dọa thế giới. (Ảnh: Pixabay) |
Và điều này không chỉ ảnh hưởng ở châu Âu. Ví dụ, ở Trung Quốc, do chi phí khí đốt tăng, các nhà máy sản xuất thủy tinh, gốm sứ và xi măng sẽ tăng giá thành sản phẩm và theo sau là các ngành công nghiệp và lĩnh vực kinh doanh khác như thép và nhôm.
Ngoài ra, tình trạng mất điện kéo dài đã bắt đầu ở Trung Quốc. Mới đây, ở các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang, ở đây cả các hộ gia đình và doanh nghiệp công nghiệp đều bị tắt điện nhiều lần trong ngày. Kết quả là cuộc khủng hoảng than và năng lượng ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán dẫn vốn đã khó khăn ở nước này.
Bên cạnh đó, Brazil cũng sẽ phải gánh chịu khi hàng triệu hộ gia đình phải trả nhiều tiền hơn cho điện vì mực nước thấp nhất trong gần 100 năm ở lưu vực sông Parana. Vấn đề này đã làm giảm sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện, và nước này buộc phải sử dụng khí đốt với số lượng lớn. Trong tháng 7, Brazil đã tăng nhập khẩu khí đốt lên mức cao kỷ lục và đồng thời tăng giá điện gia dụng. Lạm phát trong nước hiện đang tăng vọt và có thể ảnh hưởng đến Tổng thống Jair Bolsonaro, người phải đối mặt với cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.
Theo ông Stapczynski, lần đầu tiên sau 8 năm, giá điện tăng ở Hàn Quốc, mặc dù Seoul giống như Nhật Bản có các hợp đồng dài hạn về dầu và dường như được bảo vệ khỏi sự tăng giá của nguồn cung. Nhưng vấn đề ở EU nghiêm trọng đến mức nó ảnh hưởng đến tất cả các châu lục và quốc gia trên thế giới.
Ngay cả những nhà cung cấp nguyên liệu thô lớn như Mỹ cũng đang phải gánh chịu. Các cơ sở lưu trữ cục bộ đã đầy hơn một nửa. Và tất cả nhiên liệu có sẵn đều được xuất khẩu ra nước ngoài, sang châu Á và châu Mỹ Latinh. Mặc dù chi phí khí đốt tại Mỹ thấp hơn trên toàn thế giới, nhưng giá tại đây cũng đang tăng lên và đạt mức cao nhất trong 10 năm.
Giá năng lượng đã tăng mạnh trên khắp thế giới trong vài tháng qua, làm tăng sức ép lạm phát và suy giảm niềm tin của người tiêu dùng. (Ảnh: Pixabay) |
Tổ chức phi lợi nhuận của người tiêu dùng năng lượng công nghiệp Mỹ đang yêu cầu Bộ Năng lượng nước này cắt giảm xuất khẩu để cho phép lưu kho tại các cơ sở lưu trữ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có phản ứng nào đối với sáng kiến này, điều này có thể dẫn đến việc giá khí đốt trên thế giới thậm chí còn tăng cao hơn do sự thiếu hụt nhân tạo.
Theo ông Stapczynski, trước đây một công dân bình thường không thường xuyên thảo luận về giá năng lượng, đặc biệt là đối với khí đốt. Và bây giờ mọi người sẽ cảm thấy hệ thống toàn cầu phụ thuộc vào nhiên liệu “xanh” nhiều như thế nào.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đối mặt áp lực gia tăng sau khi hàng loạt trạm xăng tại quốc gia này cạn nhiên liệu vào ngày 27/9 do người dân cả nước hoảng loạn mua về tích trữ.
Theo Reuters, khủng hoảng năng lượng cộng với tình trạng khan hiếm tài xế xe tải thời hậu Brexit càng khiến toàn bộ chuỗi cung ứng của Anh, từ thực phẩm đến nhiên liệu, rơi vào hỗn loạn.
Tuy nhiên, không riêng gì Anh, thiếu khí đốt đã khiến hóa đơn các loại năng lượng khác của người tiêu dùng châu Âu tăng đột biến, chẳng hạn hóa đơn của người dân Italy có thể phải tăng 40% vào những tháng tới.
Theo chuyên gia Tim Gore của Viện Chính sách Môi trường châu Âu (IEEP), giá năng lượng châu Âu tăng đột biến xuất phát từ nhu cầu tăng mạnh khi kinh tế toàn cầu vận hành trở lại sau đại dịch Covid-19, kèm theo đó là phải bổ sung dự trữ cho mùa đông đang đến.
Brexit và sai lầm của ông Johnson đẩy người Anh vào cuộc khủng hoảng nhiên liệu
Theo The Times, Chính phủ Anh đang thảo luận về việc đưa ít nhất vài trăm quân nhân được cấp giấy phép lái xe tải để vận chuyển nhiên liệu đến các trạm xăng dầu.
Thanh Bình (lược dịch)