Cuộc chiến đòi quyền lợi của mẹ trẻ đơn thân tại Trung Quốc
Nuôi con một mình khổ cực, những bà mẹ đơn thân ở Trung Quốc còn đối mặt với cuộc chiến đòi quyền lợi cho bản thân.
Cô Li Meng là một người mẹ đơn thân tận tâm chăm lo cho con gái mới 2 tuổi của mình, nhưng trong quan niệm của xã hội Trung Quốc, cô chỉ là một công dân hạng hai.
Hàng triệu bà mẹ đơn thân ở Trung Quốc như cô Li đang phải đấu tranh cho những quyền lợi thai sản mà một phụ nữ không kết hôn nhưng sinh con đáng được hưởng tương tự như phụ nữ đã kết hôn.
Mẹ đơn thân ở Trung Quốc không được hưởng quyền lợi như phụ nữ đã kết hôn. (Ảnh minh họa) |
Cô Li, một cư dân ở thành phố Thượng Hải, đã mang thai đứa con của bạn trai. Nhưng cuối cùng, cô quyết định nuôi con một mình.
Không được hưởng các quyền lợi khi sinh con do cô chưa kết hôn, cô Li không còn cách nào khác là từ bỏ công việc trong ngành bất động sản để có thời gian chăm sóc cho con gái nhỏ.
“Có quá nhiều cản trở trong chuyện sinh con. Mẹ tôi từng nói tôi bị điên. Mẹ tôi nghĩ chuyện sinh con khi chưa kết hôn là không thể chấp nhận được trong một gia đình truyền thống ở Trung Quốc”, cô Li chia sẻ.
Vào năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã cho xóa bỏ “chính sách một con” được thi hành vài thập niên để khuyến khích người dân sinh thêm con, do tỷ lệ sinh đẻ ở đất nước đông dân nhất thế giới liên tục sụt giảm.
Nhưng những quyền lợi như được nghỉ thai sản vài tháng cho tới chi trả chi phí y tế vẫn chỉ được áp dụng đối với những phụ nữ đã lấy chồng.
Khi cô Li đi hỏi han và muốn được thanh toán chế độ thai sản, cô rơi vào tình huống khó do không có giấy đăng ký kết hôn. Người mẹ đơn thân đã tới cửa nhiều cơ quan chính phủ để đòi quyền lợi, nhưng không được giải quyết thỏa đáng.
“Họ hành động như thể đá quả bóng qua lại cho nhau”, cô Li tâm sự.
Quá tức giận, cô Li đã đệ đơn lên tòa.
Theo báo cáo của một viện nghiên cứu thuộc chính phủ Trung Quốc vào năm 2019, nước này có hơn 19 triệu mẹ đơn thân bao gồm những phụ nữ sau ly hôn hoặc trở thành góa phụ.
Bà Dong Xiaoying, người gây dựng mạng lưới hỗ trợ pháp lý cho những bà mẹ đơn thân, cho biết “không có luật nào trực tiếp nói sinh con ngoài hôn nhân là bất hợp pháp, nhưng nó cũng không có nghĩa là hợp pháp”.
Chuyện này khiến chính quyền các địa phương có nhiều cách diễn giải khác nhau trước những người mẹ đơn thân.
Như vào năm 2017, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc từng nhấn mạnh có con ngoài hôn nhân là “vi phạm trật tự xã hội và đi trái với đạo đức”.
Cô Wang Ruixi (30 tuổi) là một ví dụ điển hình. Chia sẻ trên mạng xã hội, cô Wang đã trải lòng về những khó khăn khi một mình nuôi dạy con gái, cũng như phải đối mặt với sự phân biệt đối xử tại các cơ quan hành pháp.
Sau khi những lời tâm sự của cô Wang thu hút sự chú ý của nhiều người vào năm ngoái, cô vô tình trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực mạng. Cuối cùng, cô quyết định rời khỏi Trung Quốc và tới sống ở châu Âu.
“Tôi có thể đối mặt với việc bị phân biệt đối xử và bị tấn công. Nhưng tôi không muốn con mình lớn lên trong môi trường như vậy”, cô Li trải lòng.
Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc đã có một số động thái nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mẹ đơn thân như cô Li.
Kể từ năm 2016, những đứa trẻ có bố hoặc mẹ đơn thân đã được phép nhập hộ khẩu. Đây là điều quan trọng để trẻ em có thể tiếp cận các dịch vụ công như đi học và chăm sóc y tế.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang tìm kiếm nhiều biện pháp để thúc đẩy tỷ lệ kết hôn và sinh con, sau khi nước này chứng kiến tỷ lệ đăng ký kết hôn ở mức thấp nhất trong vòng 17 năm vào năm 2020. Một phần nguyên nhân là do phụ nữ Trung Quốc ngày càng có trình độ học vấn cao, công việc ổn định và độc lập tài chính, cũng như thay đổi quan niệm sống.
Hồi đầu tháng này, trong cuộc họp Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, ít nhất 2 đại biểu đã lên tiếng kêu gọi cần có những biện pháp hỗ trợ những người mẹ đơn thân. Song tới nay, chưa rõ đề xuất này có tạo ra sự thay đổi nào hay không.
Cụ thể, theo tờ People’s Daily, bà Hua Yawei, thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân, cho rằng tình trạng sinh đẻ giảm không chỉ xuất phát từ việc các bậc cha mẹ do dự sinh thêm con do chi phí nuôi dạy cao, mà còn vì thực tế phụ nữ độc thân không được phép sinh con, cùng tỷ lệ vô sinh ở mức cao tại Trung Quốc.
Trong khi đó, bà Dong nhấn mạnh thêm tư tưởng văn hóa cũng cần phải thay đổi, nhưng chuyện này “rất khó xảy ra được ngay lập tức”.
Cô Yu (37 tuổi) sinh sống ở Thượng Hải chia sẻ về hành trình nuôi cậu con trai 2 tuổi. Nói trong nước mắt, cô Yu cho biết cô và bố đứa trẻ đã chia tay, sau khi cô yêu cầu người này hỗ trợ nuôi con nhưng anh ta đã bảo cô “biến đi”.
Cô Yu đã có những hành động mạnh mẽ để đòi quyền lợi được hưởng khi sinh con, song kết quả lại không như mong đợi. “Mọi thứ tôi làm đều vô ích”, cô Yu cho hay.
Thậm chí, chính quyền địa phương còn triệu tập cấp trên của cô Yu tới để phàn nàn về sự “cứng đầu” của người phụ nữ này, nhưng cô vẫn không nản lòng.
“Chúng ta cần đấu tranh cho quyền lợi của mình, và ít nhất để bản thân không cảm thấy hối hận”, cô Yu nhấn mạnh.
Nhiều bà mẹ đơn thân cảm thấy được truyền cảm hứng từ câu chuyện về gia đình nữ vận động viên trượt tuyết tự do người Mỹ gốc Trung Quốc Eileen Gu, sau khi cô Gu dành được huy chương vàng trong kỳ Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh diễn ra vào tháng Hai.
Mẹ của nữ vận động viên là bà Yan Gu đã tự nuôi dạy con. Bà hiện là hình mẫu cho những người mẹ đơn thân tại Trung Quốc và được ngưỡng mộ về tài năng một mình nuôi con lớn lên thành đạt.
Đàn ông Trung Quốc tích cực tìm vợ là người Ukraine
Số lượng đàn ông Trung Quốc muốn được mai mối với phụ nữ Ukraine đang gia tăng kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Minh Thu (lược dịch)