Các nữ lãnh đạo trên thế giới ứng phó tốt hơn với đại dịch?
Tờ Ouest-France của Pháp viết, các nước mà nguyên thủ quốc gia là nữ giới có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp hơn 4,4 lần so với các quốc gia có người đứng đầu là nam giới.
Đây là trích dẫn kết quả của một nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế tiến hành. Theo các chuyên gia, hiện tượng này là do phản ứng nhanh hơn của các nhà lãnh đạo là phụ nữ ở giai đoạn đầu của sự lây lan của virus, cũng như các hệ thống xã hội công bằng hơn ở các quốc gia do phụ nữ lãnh đạo.
Theo đó, công trình nghiên cứu công bố ngày 15/7 trên trang web Research Gate, khảo sát 10 quốc gia do phụ nữ đứng đầu và 25 quốc gia có vị lãnh đạo nhà nước là đàn ông. Nếu xem xét các số liệu trong khoảng thời gian từ ngày 31/12/2019 đến ngày 11/6/2020, có thể thấy, tỷ lệ tử vong vượt mức ở các quốc gia do nam giới đứng đầu là trung bình khoảng 21/ 1 triệu dân và ở các quốc gia do phụ nữ đứng đầu 4,8/ 1 triệu dân, tức là ít hơn 4,4 lần.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Reuters) |
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy các nước có lãnh đạo là phụ nữ đã hành động hiệu quả và nhanh chóng hơn, giúp “kéo giãn” đường cong tỷ lệ tăng trưởng người mắc bệnh và hạ thấp mức đỉnh dịch so với các nước do nam giới lãnh đạo.
Ouest-France cũng lưu ý, nhờ đặc điểm lạ lùng này nhiều phụ nữ nắm quyền như Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã được thế giới hoan nghênh vì nỗ lực hiệu quả trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Trong khi đó, các nước có con số trường hợp tử vong cao nhất là các quốc gia do nam giới đứng đầu như Mỹ, Anh và Brazil.
Theo các nhà nghiên cứu, sự khác biệt được giải thích bởi thực tế là các nhà lãnh đạo nữ đã tiến hành tư vấn tham khảo ý kiến nhanh hơn và thực hiện kịp thời các biện pháp chống dịch bệnh. “Ngược lại, phần lớn các Chính phủ do nam giới đứng đầu đều đánh giá thấp những cảnh báo sớm và phản ứng chậm với cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra”, ông Luca Cossaim, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết.
Đồng thời, lý do thứ hai, theo các nhà nghiên cứu là “ở hầu hết các quốc gia do phụ nữ lãnh đạo đều đặc biệt chú ý đến bình đẳng xã hội, nhu cầu của con người và sự hào phóng”. “Những xã hội như vậy dễ tiếp cận với các chương trình nghị sự chính trị đặt sự thịnh vượng xã hội và môi trường ở trung tâm của chính sách quốc gia”, nghiên cứu nhận xét.
Theo trang thống kê Worldometers, tính đến ngày 22/7, toàn cầu ghi nhận 15.211.703 người nhiễm Covid-19 trong đó có 622.368 ca tử vong và 9.186.069 bệnh nhân bình phục.
Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm bệnh của Mỹ đã vượt 4 triệu trường hợp, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngày 21/7 cũng ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất trong 1,5 tháng qua, ở mức 1.058 trường hợp, nâng tổng số người thiệt mạng do Covid-19 lên 144.892.
Tại Brazil vẫn là điểm nóng của dịch Covid-19 ở Nam Mỹ và thế giới. Thống kê của Bộ Y tế Brazil công bố ngày 21/7 cho thấy số ca tử vong do Covid-19 đã vượt ngưỡng 80.000 người, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Trong ngày 21/7, Brazil đã ghi nhận thêm 1.346 ca tử vong. Hiện hơn 2,1 triệu trong tổng dân số 212 triệu người dân Brazil đã mắc bệnh.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cảnh báo tình hình đại dịch Covid-19 ở Mỹ có thể “sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi chuyển biến tích cực”, đồng thời hối thúc người dân Mỹ đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây lan của virus. “Chúng tôi yêu cầu mọi người, những ai không thể thực hiện giãn cách xã hội, hãy đeo khẩu trang. Dù bạn có thích hay không, đeo khẩu trang sẽ mang tới tác động. Nó sẽ có hiệu quả và chúng ta cần làm những gì có thể”, ông Trump nói.
Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch do hai sai lầm ‘chết người’
Tạp chí Focus của Đức phân tích, Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và lý do là bởi hai sai lầm "chết người" của chính quyền Tổng thống Trump.
Thanh Bình (lược dịch)