Biện pháp 'chưa từng có' bảo vệ lính Mỹ trên 2 tàu sân bay ở Biển Đông
Hải quân Mỹ cho triển khai các biện pháp "bất thường" nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện ca mắc Covid-19 trên hai tàu sân bay tập trận ở Biển Đông.
Hai Đô đốc hải quân Mỹ phụ trách điều hành cuộc tập trận hiếm có của hai tàu sân bay ở Biển Đông nhấn mạnh, các biện pháp “bất thường” phòng chống dịch Covid-19 đã được thi hành bao gồm yêu cầu tất cả thủy thủ phải đeo khẩu trang. Ngoài ra, hai nhóm tác chiến tàu sân bay phải luôn ở trạng thái sẵn sàng ở mức cao khi hoạt động tại một trong những môi trường hàng hải căng thẳng nhất trên thế giới.
Biện pháp “bất thường” mà hai tướng hải quân Mỹ nhắc tới được triển khai, sau khi một trong những tàu sân bay hoạt động ở Thái Bình Dương là USS Theodore Roosevelt trở thành “ổ dịch” Covid-19 khi hàng trăm thủy thủ mắc bệnh hồi đầu năm nay.
Mỹ triển khai các biện pháp “phi thường” bảo vệ binh sĩ trên 2 tàu sân bay tập trận ở Biển Đông. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
"Chúng tôi đang thi hành các biện pháp bất thường để bảo vệ thủy thủ khỏi Covid-19, nhưng đây vẫn là mối đe dọa thực sự và cần liên tục cảnh giác. Mọi thành viên trên tàu sân bay đều được yêu cầu đeo khẩu trang và họ cũng đang chấp hành", CNN dẫn lời Chuẩn Đô đốc George Wikoff, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 5 do tàu USS Ronald Reagan dẫn đầu trả lời phỏng vấn qua điện thoại hôm 8/7 từ Biển Đông.
Đợt tập trận quy mô lớn trên Biển Đông được hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến hành bắt đầu từ ngày 4/7. Đáng nói sự kiện này trùng với thời điểm quân đội Trung Quốc triển khai cuộc tập trận kéo dài 5 ngày gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) bắt đầu từ hôm 1/7.
Cả Chuẩn Đô đốc Wikoff và Đô đốc James Kirk, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 11 do tàu USS Nimitz dẫn đầu cho biết thêm, hải quân Mỹ vẫn đang tiến hành giãn cách vị trí ngồi trong nhà ăn để đảm bảo quy định giãn cách xã hội cũng như đưa chuyên gia lên tàu, bao gồm các nhà vi trùng học và bổ sung thêm nhân viên y tế.
"Những biện pháp này đều phát huy hiệu quả và hiện chúng tôi chưa có ca nhiễm nào trên tàu", Tướng Wikoff nói.
Số lượng thủy thủ và phi công trên hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tham gia cuộc tập trận ở Biển Đông là hơn 12.000 người. Đây là lần đầu tiên hai tàu sân bay khổng lồ của hải quân Mỹ tập trận trên vùng biển chiến lược trong 6 năm qua.
Vượt qua nỗi ám ảnh Covid-19
Chương trình triển khai hai tàu sân bay bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tới Biển Đông cùng đoàn hộ tống hoạt động suốt 24h/ngày, cùng hàng trăm chuyến bay cất cánh từ hai tàu mỗi ngày diễn ra trong bối cảnh, Mỹ vẫn đang tìm cách ngăn chặn số ca mới mắc Covid-19 không ngừng tăng nhanh trên lãnh thổ quốc gia.
Nhiều luồng ý kiến tranh cãi tại Mỹ liên quan tới quy định bắt buộc đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội, cũng như khi nào hay mức độ nào để khôi phục hoạt động các cửa hàng buôn bán cho tới trường học và sân vận động thể thao.
Với hàng chục ngàn ca mới mắc Covid-19 mỗi ngày được thông báo tại Mỹ, quốc gia này hiện có gần 3 triệu ca nhiễm virus corona chủng mới kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm nay.
Trong đó, hơn 1.000 trường hợp mắc Covid-19 là các thủy thủ hoạt động trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Con tàu từng bị cách ly chặt chẽ ở đảo Guam trong nhiều tuần.
Một số trường hợp mắc Covid-19 cũng được báo cáo xuất hiện trên hai tàu USS Nimitz và USS Ronald Reagan, nhưng Đô đốc Kirk khẳng định hải quân Mỹ đã kiểm soát được tình hình.
“Nhóm tác chiến tàu sân bay vẫn duy trì không có ca mắc Covid-19 nào kể từ đầu tháng Tư. Chúng tôi đã triển khai những biện pháp vô cùng hiệu quả nhằm bảo vệ tại chỗ sức khỏe, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho thủy thủ đoàn và cả tàu sân bay”, ông Kirk nói thêm.
Hôm 8/7, nhà phân tích Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành hoạt động của Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nhận định, cuộc tập trận của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông là nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc.
“Hải quân Mỹ đang trở lại sau khi hoạt động bị gián đoạn trong giai đoạn dịch Covid-19 tấn công”, ông Schuster chia sẻ.
Còn theo hai Đốc đốc Wikoff và Kirk, hoạt động của hai tàu sân bay Mỹ nhằm nhấn mạnh cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa.
“Nếu các quốc gia đưa ra những tuyên bố bành trướng, chúng tôi sẽ thách thức họ”, ông Kirk tuyên bố.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Chính quyền Bắc Kinh đã cáo buộc Mỹ “có lý do nhưng không công khai” khi điều động hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông tập trận. Truyền thông Trung Quốc cũng khẳng định Bắc Kinh luôn sẵn sàng đối đầu trước thách thức từ Mỹ.
“Mỹ chủ tâm tiến hành tập trận quy mô lớn ở Biển Đông và mục đích là phô trương sức mạnh. Mỹ có nhiều lý do, nhưng không nói ra. Mỹ đang tạo ra sự chia rẽ trong khu vực và tiến hành quân sự hóa Biển Đông”, phát ngôn viên Trung Quốc Triệu Lập Kiên lớn tiếng chỉ trích Mỹ hôm 6/7.
Thậm chí, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời các nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh hoàn toàn nắm quyền kiểm soát tình hình.
“Trung Quốc có rất nhiều loại vũ khí diệt tàu sân bay như các tên lửa được mệnh danh ‘sát thủ diệt tàu sân bay’ DF-21D và DF-26. Biển Đông hoàn toàn nằm trong phạm vi hoạt động của quân đội Trung Quốc. Việc để tàu sân bay nào của Mỹ di chuyển trong khu vực là tùy vào ý muốn của quân đội Trung Quốc”, Thời Báo Hoàn Cầu nhấn mạnh.
Hồ chứa ‘khủng’ của Trung Quốc phải xả lũ lần đầu tiên trong 9 năm
Hồ chứa nước sông Xin'an, một trong những dự án kiểm soát lũ quan trọng của Trung Quốc, đã lần đầu tiên phải xả lũ trong 9 năm vào ngày 7/7.
Minh Thu (lược dịch)