Bệnh viện và nhà tang lễ Ấn Độ quá tải, thi thể bệnh nhân Covid-19 về đâu?
Nhiều tổ chức tình nguyện đang hỗ trợ đắc lực cho chính phủ Ấn Độ xử lý các thi thể bệnh nhân Covid-19 giữa lúc tăng nhanh chưa từng có.
Mặc bộ bảo hộ y tế và đeo kính chống giọt bắn phía dưới chiếc turban màu vàng, ông Jitender Singh Shunty (58 tuổi) phun thuốc khử trùng lên các thi thể bệnh nhân Covid-19 đang nằm dưới nền nhà hỏa táng ở khu vực Seemapuri thuộc phía đông bắc thủ đô New Delhi.
Thao tác của ông Shunty buộc phải nhanh chóng bởi số lượng thi thể được chuyển tới đang vượt quá khả năng xử lý của nhà hỏa táng. Gia đình và người thân của các bệnh nhân mắc Covid-19 từng phải vận lộn chạy khắp nơi để tìm giường tiếp và bình oxy, nay đã mất kiên nhẫn để chờ đợi quá trình tiễn đưa người thân vào phút chót.
Ông Jitender Singh Shunty cẩn thận ghi lại danh tính thi thể bệnh nhân Covid-19 được hỏa táng tại cơ sở. (Ảnh: SCMP) |
“Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để hỗ trợ gia đình các bệnh nhân Covid-19 ít nhất là làm tang lễ cho người quá cố”, ông Shunty nói khi nhanh chóng chạy lại chiếc xe cứu thương vừa chở 2 thi thể tới.
Ông Shunty đã thành lập nhà hỏa táng Shaheed Bhagat Singh Sewa Dal cách đây 25 năm. Đây là cơ sở làm ma cho những thi thể không có người thân tới nhận ở bệnh viện. Tổ chức phi chính phủ này bắt đầu xử lý các thi thể bệnh nhân Covid-19 từ năm ngoái và đặc biệt là từ tháng Tư năm nay, thời điểm làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát khiến số người chết tăng nhanh chưa từng có.
Ông Shunty và 20 tình nguyện viên khác đang bị quá tải vì số lượng lớn thi thể được chuyển tới nhà tang lễ mỗi ngày.
“Năm ngoái, chúng tôi xử lý 967 thi thể nhưng nay riêng trong tháng Tư, chúng tôi đã hỏa thiêu 770 cái xác”, ông Shunty nói.
Ấn Độ hiện có hơn 20 triệu ca mắc Covid-19 và số ca tử vong là trên 219.000 người. Song theo nhiều nguồn tin, con số tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ thực tế còn cao hơn.
Tại nhà hỏa thiêu Shaheed Bhagat Singh Sewa Dal, các thi thể nằm chờ tới lượt được đưa lên giàn thiêu.
“Trong tuần đầu của tháng Tư, chúng tôi thiêu 10 – 12 thi thể/ngày. Tới giữa tháng, con số này tăng lên 40 – 50 thi thể/ngày. Còn hiện giờ chúng tôi đang hỏa táng hơn 100 thi thể mỗi ngày. Có ngày số thi thể hỏa táng lên tới 122”, ông Shunty cho biết.
Ngoài việc hỗ trợ chính phủ Ấn Độ xử lý các thi thể, ông Shunty cùng các tình nguyện viên còn giúp vận chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 qua đời tại nhà nhưng không thể tới được bệnh viện. Hàng ngày, ông Shunty nhận được hàng chục cuộc điện thoại từ gia đình bệnh nhân Covid-19 do không thể gọi được xe cứu thương để đưa thi thể người nhà tới nhà hỏa táng.
Từng cho rằng đã thành công trong việc ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ nhất vào năm ngoái, cùng những nỗ lực triển khai chương trình tiêm vắc-xin toàn dân, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã mất cảnh giác và thiếu sự chuẩn bị để ngăn chặn sự xuất hiện của làn sóng thứ hai. Khi biến chủng xuất hiện, các bệnh viện của Ấn Độ nhanh chóng rơi vào cảnh quá tải, thiếu giường bệnh, hết thuốc men dự trữ và không còn bình oxy để cứu chữa cho bệnh nhân. Hậu quả, số người mắc Covid-19 tăng nhanh kéo theo “cơn bão” người chết vì dịch bệnh.
Khi chính phủ Ấn Độ rơi vào cảnh “vỡ trận”, những tình nguyện viên như ông Shunty trở thành nguồn lực quan trọng.
Thế giới không khỏi bàng hoàng khi nhìn những bức ảnh ghi lại phần nào cơn "sóng thần" Covid-19 càn quét Ấn Độ, khi mà các giàn thiêu liên tục đỏ lửa ngay tại các bãi đỗ xe ô tô ngoài trời, hay hàng dài bệnh nhân ngồi chờ trong tuyệt vọng bên ngoài bệnh viện để mong được tiếp nhận điều trị.
Nhà tang lễ của ông Shunty trở thành nguồn lực quan trọng hỗ trợ chính phủ Ấn Độ xử lý thi thể bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: SCMP) |
Không chỉ ở thủ đô New Delhi mà nhiều khu vực khác trên lãnh thổ Ấn Độ, các bệnh viện buộc phải dừng tiếp nhận bệnh nhân do nguồn cung oxy thiếu hụt. Thậm chí, nhiều nơi còn yêu cầu bệnh nhân tự lo bình oxy phục vụ quá trình điều trị.
Trong nỗ lực hỗ trợ các bệnh nhân Covid-19, cửa hàng gas của anh Mohammad Waseem, nằm cách khu vực Seemapuri khoảng 20 km, đã quyết định giảm giá mỗi lần bơm oxy xuống còn 100 rupee (1,34 USD). Nhiều người còn sẵn sàng mang theo các bình chứa để tới cửa hàng của anh Waseem bơm oxy dù phải di chuyển quãng đường xa tới 60 km.
“Nhiều người nói với tôi rằng, tôi sẽ mắc Covid-19 nếu như tôi vẫn cứ ra ngoài và gặp gỡ nhiều người có người thân mắc Covid-19 tại nhà. Nói thật, tôi cũng rất sợ. Nhưng nếu tôi không giúp mọi người, tôi sẽ hối tiếc cả đời”, anh Waseem chia sẻ.
Trên thực tế, do nhu cầu mua oxy ở thủ đô Delhi tăng cao, giá bán cũng vì thế phi mã. Trên thị trường chợ đen, mỗi bình oxy bơm đầy có giá lên tới 50.000 rupee (674 USD). Đây là mức giá mà phần lớn người dân Ấn Độ không thể mua được. Mới đây, cảnh sát còn bắt giữ 2 đối tượng lừa đảo bán bình oxy nhưng thực chất là bình chữa cháy cho người dân.
Trong hoàn cảnh thủ đô New Delhi nối lại phong tỏa trong những tuần gần đây, cô Priyanka đã chuẩn bị 30 – 40 suất ăn mỗi tối để người chồng chuyển cho các bệnh nhân Covid-19 đang cách ly tại nhà mà chủ yếu là sinh viên.
“Đó là điều tối thiểu chúng tôi có thể làm vào thời điểm này để hỗ trợ mọi người chiến đấu với Covid-19, cũng như giúp mọi người được an toàn khi ở trong nhà”, cô Priyanka (32 tuổi) sinh sống ở Nam Delhi cho biết.
Cũng theo cô Priyanka, khi mà chúng phủ không thể hỗ trợ cho người dân, thì mọi người chỉ còn cách hỗ trợ lẫn nhau.
“Chúng tôi không thể từ bỏ. Chúng tôi cần mạnh mẽ dù tình thế có khắc nghiệt”, cô Priyanka nhấn mạnh.
Người đàn ông bán cả trang sức của vợ, cho miễn phí bình oxy để giúp bệnh nhân Covid-19
Một người đàn ông ở Ấn Độ bán cả trang sức của vợ và tặng bình oxy miễn phí để giúp đỡ các bệnh nhân Covid-19.
Minh Thu (lược dịch)