Thầy hiệu trưởng “gỡ rối” cho giáo viên Hà Nội trước phương án tiết này dạy trực tiếp tiết sau đã online
Sở GD&ĐT Hà Nội mới thay đổi phương án cho học sinh trở lại trường. Theo đó, học sinh khối lớp 12 sẽ chia đôi, học luân phiên trực tiếp và trực tuyến vào các ngày chẵn/ lẻ khác nhau. Điều này gây ra thế khó cho giáo viên?
Cụ thể, các trường THPT, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên trên địa bàn các xã phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch cấp độ 1,2 cho phép học sinh trở lại trường học tập từ ngày 6/12, sau thời gian tạm dừng đến trường.
Cụ thể, học sinh khối 12 của các trường THPT, các trung tâm Giáo dục Thường xuyên của 30 quận, huyện, thị xã trở lại trường học trực tiếp theo phương án:
50% số lớp 12 học trực tiếp thứ 2, thứ 4, thứ 6; các ngày còn lại học trực tuyến; 50% số lớp 12 học trực tiếp thứ 3, thứ 5, thứ 7; các ngày còn lại học trực tuyến.
Học sinh lớp 9 ở các huyện, thị xã đi học trực tiếp như kế hoạch trước đó. Học sinh cấp tiểu học, THCS và khối lớp 10, lớp 11 các trường THPT, các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên học trực tuyến. Trẻ mầm non nghỉ học tại nhà.
Ảnh minh họa |
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ việc bố trí học luân phiên như trên nhằm giảm thiểu thời gian các em đi lại trên đường nhưng vẫn đảm bảo việc tiếp thu kiến thức chuẩn bị cho các kì thi sắp tới.
Thế nhưng, nhiều giáo viên cho rằng việc thành phố cho 50% học trực tiếp ngày chẵn và 50% học ngày lẻ vô tình đã đưa giáo viên vào “thế khó” nhất là với những trường đang thiếu giáo viên hoặc một giáo viên nhưng phụ trách cùng lúc nhiều lớp. Làm sao để giáo viên có thể tiết 1 dạy trực tiếp trên trường, tiết 2 kịp chạy về nhà dạy trực tuyến rồi tiết 3 lại đến trường... Việc này cũng vô tình khiến các trường “rối tung” trong việc sắp xếp thời khóa biểu cho hợp lý.
Trong khi nhiều trường đang rất lúng túng không biết sắp xếp thời khóa biểu thế nào cho học sinh theo lịch đến trường của Sở GD&ĐT Hà Nội thì thầy Nguyễn Công Sở - Hiệu trưởng trường THPT Lê Văn Thiêm (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng công văn mới của Sở GD&ĐT Hà Nội điều chỉnh chỉ cho 50% học sinh đến trường là rất kịp thời có thể giải quyết khối học sinh cuối cấp vừa đảm bảo tranh thủ thời gian vàng dạy trực tiếp vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch vừa phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh.
“Tôi nghĩ rằng 50% khối lớp học trực tiếp thứ 2, thứ 4, thứ 6, các ngày còn lại học trực tuyến; 50% học trực tiếp thứ 3, thứ 5, thứ 7, các ngày còn lại học trực tuyến... thì không có gì khó khăn vì phương án này trước đây nhiều nhà trường cũng từng tính toán và áp dụng rồi.
Tại trường THPT Lê Văn Thiêm, chúng tôi sẽ dành thời gian dạy trực tiếp tập trung cho các nội dung luyện tập, khắc sâu các kiến thức, giải quyết vấn đề kiểm tra, đánh giá cho học sinh còn những buổi học online sẽ cung cấp kiến thức mới cho học sinh.
Ngoài ra, nhà trường nên tập trung dạy trực tiếp với các môn thi bắt buộc như toán, văn, ngoại ngữ và sớm cho học sinh chọn các tổ hợp thi THPT rồi chia nhóm đối tượng, chọn dạy học theo khối thi theo hướng giáo dục đến từng đối tượng học sinh”, thầy Sở nói.
Cũng theo thầy Sở thì các nhà trường nên chia học sinh thành 2 nhóm nhận thức tốt hơn, nhóm học sinh thức chậm hơn để hướng dẫn các em thực hiện các nhiệm vụ học tập.
“Trong điều kiện này, các trường cũng phải có điều chỉnh linh hoạt, dạy tăng cường giai đoạn nước rút tiến hành ôn tập, khó khăn đến đâu khắc phục đến đó. Ví như yêu cầu dù dạy trực tuyến hay trực tiếp thì giáo viên cũng phải đến trường vì hiện nay các trường cũng phủ sóng wifi.
Điều này khắc phục được việc tiết 1 dạy trực tiếp, tiết 2 giáo viên lo về nhà dạy trực tuyến rồi tiết 3 lại dạy trực tiếp.
Hay như với học sinh thuộc diện F không cần dồn học sinh đó vào một đơn vị lớp mà trường lắp các máy quay ở lớp học để khi hoạt động học tập diễn ra trên lớp thì học sinh diện F ở nhà vẫn học được mà không bị tách biệt sang lớp khác hay giáo viên phải dạy tăng cường.
Tôi nhắc lại, trong bối cảnh hiện nay các trường phải chủ động, linh hoạt để biến nguy thành cơ, vì được đến trường là may mắn rồi”, thầy Sở khẳng định.
Còn thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng trường THCS – THPT M.V Lômônôxốp (Hà Nội) chia sẻ, với trường M.V Lômônôxốp thì giáo viên có tiết trên lớp sẽ dạy trên lớp, lúc chuyển lớp trực tuyến thì xuống các phòng chức năng để dạy. Phương án này sẽ khắc phục được tình trạng giáo viên phải “chạy đi chạy lại” đến trường và ở nhà, dạy trực tuyến và trực tiếp.
Tại trường M.V Lômônôxốp sĩ số mỗi lớp chỉ có 30 học sinh và hiện phòng học rộng 60m2 thì cũng không quá khó khăn khi triển khai dạy học.
Hoàng Thanh