Thầy giáo Toán trường Lương Thế Vinh: "Không giáo viên nào giàu lên vì những chiếc phong bì 20/11"
Ngày Nhà giáo 20/11, nhiều phụ huynh nghĩ rằng chỉ cần đưa thầy cô “một chiếc phong bì dày” là đủ bày tỏ tình cảm rồi mặc nhiên trao tất cả kỳ vọng dạy dỗ con cái lên vai giáo viên.
Ngày nay, việc học sinh, phụ huynh bày tỏ tình cảm của mình với thầy cô bằng việc tặng quà vật chất là khá phổ biến, thậm chí có người mặc nhiên nghĩ rằng tặng thầy cô của con một phong bì nhiều tiền là đủ bày tỏ thành ý.
Thầy Trần Mạnh Tùng – Giáo viên môn Toán trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề "chiếc phong bì" ngày 20/11.
Thầy Trần Mạnh Tùng cùng học sinh. |
PV: Hiện nay, nhiều phụ huynh có tâm lý tặng thầy cô một chiếc phong bì ngày 20/11 là “xong nhiệm vụ” và phó mặc chuyện dạy dỗ con cái cho thầy cô. Thầy quan niệm thế nào về vấn đề này?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Đứng trên bục giảng gần 20 năm, dưới vai trò người thầy, tôi có thể khẳng định không giáo viên nào giàu lên vì những chiếc phong bì ngày 20/11.
Là giáo viên, tôi tin ai cũng sẽ mong muốn được phụ huynh học sinh, được xã hội ghi nhận công sức của mình, bày tỏ tình cảm với giáo viên phải xuất phát từ sự chân thành, ý nghĩa chứ không phải là đưa những chiếc phong bì vô cảm rồi phó mặc chuyện giáo dục con cái cho thầy cô.
Sự biết ơn với thầy cô là việc nên làm nhưng nó không chỉ bày tỏ ở ngày 20/11 mà tôi nghĩ rằng đó phải là cả quá trình. Với một người thầy như tôi, chỉ cần học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, thay đổi tích cực mỗi ngày đó đã là món quá lớn với chúng tôi rồi.
Ở trường THCS –THPT Lương Thế Vinh mà tôi công tác tuyệt nhiên không bao giờ có chuyện học sinh mang phong bì đến tặng thầy cô giáo trong ngày Hiến chương Nhà giáo.
Đa số các em tặng thầy những chiếc cốc có in hình tập thể lớp hay một chậu cây nhỏ xinh xinh để bàn…Những đồ vật nhỏ bé nhưng bình dị và chúng tôi trân trọng sự chân thành của các em trong đó.
Chúng ta đừng tiêm vào đầu học sinh những khái niệm như bắt buộc phải tri ân thầy cô bằng phong bì và vật chất là tất cả giá trị. Tôi phản đối điều này. Chính vì thế tôi không đồng tình với việc giáo viên nhận phong bì từ học sinh.
PV: Thời thầy đi học, học sinh tri ân thầy cô bằng cách nào?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Ngày xưa, thời tôi còn đi học là những năm 1990, trong trí nhớ của tôi về ngày Hiến chương Nhà giáo rất đơn giản. Cứ đến ngày ấy, nhà ai có gì thì mang thứ đó đến tặng cô hoặc đơn giản chỉ là đạp xe đạp đến nhà chơi cùng cô giáo.
Lớp tôi nhà bạn nào có quả thì hái trong vườn… thậm chí là tặng cô cái nồi dùng để nấu cơm. Lũ chúng tôi tíu tít đạp xe đến nhà cô. Nói thật, tôi thấy các cô ngày ấy vất vả.
Tụi học sinh đến nhà, cô còn phải chuẩn bị nước cho chúng tôi uống, chỗ ngồi, thậm chí nhà có gì mang hết ra cho chúng tôi ăn. Lúc ra về, đứa nào không có xe đạp cô còn phải chở về tận nhà. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ những người thầy đi qua cuộc đời mình và biết ơn họ.
Đó, tri ân thực sự đó là tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim, từ sự nghe lời, sự trưởng thành của mỗi học sinh chứ không phải từ những chiếc phong bì.
PV: Nhiều người nói nghề giáo rất nghèo. Thầy nghĩ sao về quan niệm này?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Đừng để ngày Hiến chương Nhà giáo bị méo mó nghĩa "tôn sư, trọng đạo" . Người ta nói “phi thương bất phú”, tôi không buôn bán nhưng bản thân lại thấy mình rất giàu có.
Tôi giàu có trong những giây phút tíu tít cùng lũ học trò khi tranh luận một bài toán, là khi thấy chúng thay đổi mỗi ngày để trưởng thành. Là khi bất ngờ nhận được thiệp cưới của học trò khi chúng thông báo đã trưởng thành từ mái trường có thầy và đi xây dựng hạnh phúc của riêng chúng.
Là khi bắt gặp những cô cậu học trò cũ trên đường tấp nập. Nhận ra nhau giữa đám đông, cất lên tiếng gọi ấm áp và vẫy tay chào mừng rỡ.
Tiếng gọi “thầy ơi” sao nghe lòng ấm áp đến lạ, dù cơn gió thu phơ phất hay giá rét mùa đông tràn về. Hạnh phúc và sự giàu có của những người cầm phấn đứng bục giảng là thế, đừng khiến ngày Hiến chương Nhà giáo bị vẩn đục bởi những chiếc phong bì.
PV: Có bao giờ thầy thấy chán nghề vì những áp lực?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Trong suốt quá trình 20 năm trên bục giảng, trực tiếp làm chủ nhiệm những lớp có học sinh chưa được chăm ngoan, nhưng chỉ trong khoảnh khắc nào đó tôi thấy chán học sinh, chán lớp đó chứ chưa bao giờ có suy nghĩ chán nghề.
Điển hình như một lần lớp tôi dạy có đến quá nửa lớp không làm bài tập về nhà. Với nhiệt huyết của một thầy giáo trẻ, thất vọng không? Có chứ. Chán học sinh không? Tất nhiên.
Đến mức tôi còn có ý định trả lại lớp đó cho ban giám hiệu và không dạy nữa nhưng sau đó từng học trò một cúi đầu nhận lỗi. Trái tim người thầy lại rung rung và tôi lại đồng hành cùng bọn nhóc đáng yêu ấy…
Cuối cùng tôi nhận ra rằng, để giáo dục học sinh không có biện pháp nào dễ bằng dùng tình cảm. Khi nào người thầy dùng tình cảm, dùng chân thành cảm hóa thì luôn “thu phục” được học sinh. Và cho đến bây giờ tôi vẫn không hối hận vì chọn sư phạm.
Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!
Món quà 20/11 "độc nhất vô nhị" của cậu học trò năm ấy
15 năm trôi qua nhưng tôi vẫn không quên cậu bé cùng chai nước mắm tặng cô giáo ngày 20/11 năm ấy.
Hoàng Thanh