Thầy giáo của trẻ em nghèo
Sinh năm 1963 tại Quảng Trị, ba tuổi mồ côi bố, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Năm 1969, anh và gia đình chuyển ra huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Thông minh, cần cù, chịu khó nhưng do hoàn cảnh gia đình nên anh chỉ học đến hết THPT. Năm 1981, anh lên đường nhập ngũ, năm 1984, trở về địa phương và hiện là cán bộ tài chính của UBND xã Tân Long kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã. Nói về chuyện mở lớp dạy học miễn phí ban đêm, anh cười: "Một hôm sang nhà hàng xóm chơi, cầm cuốn sách của cháu học sinh đọc, hỏi mấy câu, thấy nó ấp úng không trả lời được. Vậy là giảng giải cho cháu, cháu hiểu nhanh và làm đúng các bài tương tự... Sau bữa đó, tôi thường xuyên có học sinh mang bài đến nhờ giảng lại. Ở xã miền núi khó khăn này, việc học do các em tự lực là chính, bố mẹ không giúp gì được, mà học thêm thì không có tiền. Trong khi các cháu lại rất ham học. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định mở lớp dạy thêm miễn phí... Ðó cũng như cơ duyên, là tấm lòng chân tình đáp lại mảnh đất đã cưu mang tui".
Từ năm 2008, lớp học đặc biệt ấy ra đời. Chẳng qua trường lớp đào tạo nào nhưng người thầy ấy đầy ắp nhiệt huyết và trách nhiệm. Những ngày đầu, các cháu còn bỡ ngỡ. Sau vài tuần theo dõi lực học của các cháu, biết các cháu hổng chỗ nào để tìm phương pháp bồi dưỡng thêm. Cuối học kỳ 1 năm đó, số học sinh được tôi dạy kèm đều có tiến bộ rõ rệt, nắm chắc kiến thức. Thật sự hạnh phúc vì ý tưởng và công sức của mình được thể hiện bằng kết quả học tập tốt của các cháu. Rồi từ câu chuyện sáu em học sinh có lực học yếu, được anh Học kèm cặp đã lần lượt thi đỗ vào THPT với số điểm cao nên nhiều phụ huynh trong làng, xã, thậm chí ở các xã lân cận như Nghĩa Hoàn, Nghĩa Thái cũng tìm tới nhờ thầy Học dạy kèm. Số học sinh ngày càng đông, cho nên anh Học phải chia theo lớp và theo lực học. Ðể các cháu có điều kiện thoải mái hơn khi ngồi học, anh dành dụm số tiền lương ít ỏi hằng tháng đóng mười bộ bàn ghế học sinh, mua bảng, phấn, sách giáo khoa, sách tham khảo từ lớp 6 đến lớp 9 phục vụ cho việc dạy học. Buổi học bắt đầu từ 19 giờ 30 phút đến 22 giờ đêm. Tan học, anh lại bấm đèn pin đưa các cháu về. Ðiều đặc biệt mà tất cả các em học sinh, phụ huynh ở làng, xã đây phải thán phục đó là anh Học dạy kèm được tất cả các môn: Toán, lý, hóa, văn, sử.
Ngoài truyền đạt kiến thức, đầu giờ học và lúc giải lao, anh Học lại kể những câu chuyện về đối nhân xử thế trong gia đình mong các em ngoài học kiến thức còn hiểu thêm về lễ nghĩa. Anh Học luôn tâm niệm tài phải đi đôi với đức nếu không sẽ chẳng giúp ích được gì cho gia đình và xã hội.
Không chỉ dốc hết tâm huyết truyền đạt kiến thức cho các cháu, mà để các cháu có động lực học tập, anh Học dành một số tiền làm quỹ lớp thưởng cho những cháu có kết quả học tập tốt. Nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, anh đến tận gia đình động viên, thuyết phục cha mẹ cho con học tiếp. Hiện tại, anh đang cưu mang hai cháu có hoàn cảnh khó khăn, giúp ăn, ở trong nhà như con cái, mua sách vở, áo quần và kèm cặp học hành. Trong khi đó, kinh tế gia đình anh cũng chẳng dư dả gì. Tiền lương của anh chỉ đủ trang trải chi tiêu hằng ngày, hai con học đại học đều dựa vào mấy sào ruộng, đàn gà, con lợn do người vợ tảo tần vun vén. Em Giản Thị Hiền, xã Nghĩa Hoàn, học sinh được anh cưu mang cho biết: "Nhà cháu hoàn cảnh khó khăn, không có tiền học thêm. Ðược bác Học kèm cặp, lại còn nấu cơm tối cho ăn, cháu hứa sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ công bác ấy...".
Với anh Học, suốt từng ấy năm dạy học miễn phí chỉ mong sao con em địa phương mình trưởng thành nên người. "Nhìn cảnh lũ trẻ học hành dở dang rồi phải vào nam, ra bắc làm thuê, làm mướn tôi thương lắm. Có những em vì ít học mà đua đòi, sa ngã. Việc mình làm cũng là việc thiện mong góp phần làm cuộc sống tốt thêm. Mong các em sau này có một tương lai ổn định, bền vững" - anh Nguyễn Viết Học tâm sự.
Ở xã miền núi còn nhiều khó khăn này, lớp học của anh đã thắp sáng những ước mơ cho học trò nghèo. Năm 2012, toàn xã có 48 em đủ điểm vào các trường THPT, trong đó có hai em trúng tuyển vào Trường chuyên Phan Bội Châu; 18 em thi đỗ đại học, 24 em học sinh giỏi cấp huyện, ba em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Góp phần vào thành tích giáo dục đó của xã là tâm huyết của "người thầy" đặc biệt Nguyễn Viết Học. Anh giống như ngọn đèn trên núi, thắp sáng ước mơ, thắp lửa cho học trò nghèo. Anh thật sự là tấm gương sáng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.