Thấy gì từ giấy mời họp giải quyết kiến nghị về Sơn Trà của Tổng cục Du lịch?
Ngày 8/5, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay, ông vừa nhận được giấy mời số 09/GM-TCDL do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu ký ngày 5/5, mời ông dự họp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng có liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Infonet đã đưa tin).
![]() |
Giấy mời của Tổng cục Du lịch mời ông Huỳnh Tấn Vinh họp về các kiến nghị liên quan đến quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà cũng bị viết sai chính tả! |
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch mời ông Huỳnh Tấn Vinh lúc 14g chiều 9/5 tới dự trao đổi, thống nhất và ký kết biên bản làm việc tại trụ sở Bộ VH-TT-DL về kiến nghị nêu trên. Cuộc họp sẽ được tổ chức tại phòng họp C2, Bộ VH-TT-DL (số 51 – 53 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Tuy nhiên giấy mời không ghi rõ thành phần tham dự họp nên ngoài Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái được ghi là người chủ trì cuộc họp và ông Huỳnh Tấn Vinh là người được mời dự họp thì không rõ còn có những thành phần nào tham dự cuộc họp này.
Không rõ thành phần được mời tham dự họp, nội dung trao đổi chưa được nêu cụ thể nhưng như đã nêu trên, trong giấy mời đã đề cập việc “thống nhất và ký kết biên bản làm việc về kiến nghị của Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Ngoài ông Huỳnh Tấn Vinh, nơi nhận giấy mời này cũng được ghi là Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch để báo cáo. Thế nhưng giấy mời này lại phạm lỗi sơ đẳng là sai chính tả, khi viết “ký kết biên bản” thành “ký kiết biên bản”!
Tuy nhiên ông Huỳnh Tấn Vinh cho rằng đó chỉ là sơ suất nhỏ. Điều đáng nói là ông từng hỏi Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu (người ký giấy mời) rằng “Anh đã thấy Voọc chà vá chân nâu bao giờ chưa?”. Theo ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết thì ông Hà Văn Siêu trả lời: “Chưa thấy!”.
![]() |
Ban tổ chức hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng” gửi thư mờiông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thuộc Tổng cục Du lịch tham dự nhưng bị từ chối! |
Từ đó, ông Huỳnh Tấn Vinh đặt vấn đề: “Sao các anh ở Tổng cục Du lịch không tổ chức họp ở Đà Nẵng và nhân thể đưa gia đình cùng đi thăm Sơn Trà, ngắm Voọc chà vá chân nâu. Biết đâu các cháu sẽ yêu quý Sơn Trà và bản quy hoạch mới sẽ có nhiều màu xanh hơn?”.
Ông Huỳnh Tấn Vinh cũng cho hay, trên tinh thần “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần nhấn mạnh, ngày 28/4, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Nhóm nghiên cứu - Giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật (DN-EBR) thuộc Đại học Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng”.
Cuộc hội thảo nhằm tìm giải pháp cho phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, khai thác những giá trị kinh tế từ lợi thế đặc biệt không nơi nào có được nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái tại bán đảo này nên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Đông đảo các nhà khoa học, nhà quy hoạch, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu chính sách, nghiên cứu lịch sử, các vị lãnh đạo, các văn nghệ sĩ và những người yêu quý Sơn Trà đã đến dự và tham gia ý kiến.
Như Infonet đã đưa tin, Ban tổ chức hội thảo đã gửi thư mời ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng tham dự. Do sáng 28/4 Thường trực Thành ủy Đà Nẵng có chương trình công tác quan trọng không thể hoãn nên ông Nguyễn Xuân Anh có thư bày tỏ rất lấy làm tiếc vì không tham dự được và đề nghị Ban tổ chức hội thảo tổng hợp những ý tưởng hay, những hiến kế tâm huyết, những tham luận có cơ sở khoa học, thiết thực và khả thi, gửi lãnh đạo TP Đà Nẵng để nghiên cứu, tiếp thu, cùng với các nhà khoa học và nhân dân TP có giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Ban tổ chức cũng gửi giấy mời ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thuộc Tổng cục Du lịch (đơn vị trực tiếp thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030) tham dự hội thảo nêu trên. “Chúng tôi không chỉ gửi giấy mời mà còn trực tiếp gọi điện mời họ tham dự cuộc hội thảo đó, nhưng họ từ chối!” – ông Huỳnh Tấn Vinh cho hay.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, ngày 21/3, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh đã có văn bản kính gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành TƯ và lãnh đạo TP Đà Nẵng, đề nghị xem xét lại “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà – TP Đà Nẵng” do Tổng cục Du lịch chủ trì thực hiện và được ban hành theo Quyết định 2163/QĐ-TTP của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 09/11/2016.
Trên tinh thần "Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân” như Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường ngày 24/8/2016 do Thủ tướng đích thân chủ trì, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị 4 vấn đề cụ thể:
a. Giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà. Đà Nẵng hiện nay đã có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt du khách mỗi năm (2016 chỉ mới đón 5,5 triệu lượt du khách)
b. Chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm.
c. Hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội của dân cư.
d. Hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà (được thành lập theo quyết định số 45/QĐ-TTg) và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước”.
Sau khi Thủ tướng tiếp nhận kiến nghị này, ngày 3/4, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng đã có văn bản số 3206 gửi UBND TP Đà Nẵng, Bộ VH-TT-DL truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với UBND TP Đà Nẵng xem xét, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng theo quy định; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.