Thay đổi cách cấp phát ngân sách Nhà nước
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12/2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Phải đẩy nhanh Đề án đổi mới cơ chế hoạt động đối với đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) và cách cấp phát ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Lí do đổi mới không phải vì thiếu tiền chi cho dịch vụ công mà là vì mục đích quan trọng hơn là nhằm nâng số lượng và chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và sự phát triển của xã hội.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Nhà nước có vai trò cung cấp các dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân, đảm bảo an sinh xã hội… nhưng trên cơ sở hài hòa cân đối ngân sách và phải sử dụng hiệu quả, cân đối các nguồn lực. Phó Thủ tướng khẳng định, đổi mới giá, phí dịch vụ công thời gian tới cần tuân thủ theo nguyên tắc thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, đối với các thành phần yếm thế, các đối tượng như người nghèo, gia đình chính sách, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng… Nhà nước vẫn phải lo và đảm bảo cuộc sống cho họ. Thực tế, chủ trương này còn khuyến khích các ĐVSNCL có quyền tự chủ cao hơn, huy động sự đóng góp của các nguồn lực xã hội tốt hơn vào hoạt động và nâng cao chất lượngc ác dịchvụ công và cải thiện được mức lương của người lao động (hiện đang rất thấp nếu chỉ phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước).
Đặc biệt, đi liền với đổi mới ĐVSNCL được sửa đổi, những quy định việc cơ cấu lại ngân sách Nhà nước dành cho khối này bằng cách thay đổi cách cấp phát ngân sách theo hướng Nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ với các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Đơn cử, Nhà nước có nhu cầu đào tạo 10 kỹ sư thì giao chỉ tiêu này cho cơ sở giáo dục. Nhà nước sẽ cấp tiền cho 10 kỹ sư này để chi trả học phí với mức đủ để đào tạo theo giá thị trường. Như vậy, quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo được nâng cao, qua đó góp phần thúc đẩy các trường có điều kiện đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, tìm kiếm giảng viên có chất lươngk; đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài ra, việc thay đổi cơ chế cấp phát ngân sách cho ĐVSNCL cũng được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh là rất quan trọng và cần phải thực hiện bắt buộc để chuyển đổi hoạt động của ĐVSNCL, kể cả các đơn vị được Nhà nước bao cấp cũng phải thay đổi hình thức cấp phát ngân sách. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, sửa đổi các Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động các ĐVSNCL theo chuyên ngành để đảm bảo phù hợp với Nghị định 16- Nghị định khung về đổi mới ĐVSNCL; báo cáo việc thực hiện phân loại các ĐVSNCL để chuẩn bị thực hiện theo cơ chế mới khi được ban hành.
ảnh minh họa |
Cũng giống như bất kỳ đề án nào của Chính phủ, việc quy hoạch và phân loại các ĐVSNCL tại các Bộ, ngành, địa phương cũng vấp phải vấn đề nhân sự. Với Đề án đổi mới cơ chế hoạt động đối với ĐVSNCL, theo đó Dự thảo Nghị định mới sẽ quy định các đơn vị này có quyền tự chủ cao hơn, huy động sự đóng góp của các nguồn lực xã hội tốt hơn nhằm cải thiện thu nhập của người lao động. Riêng đối với việc xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật của các loại hình dịch vụ công, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý các Bộ, ngành bắt buộc phải thực hiện bài bản. Riêng với Bộ Giáo dục và Bộ Y tế là 2 đơn vị có số lượng các ĐVSNCL lớn, có nhiều dịch vụ công ảnh hưởng trực tiếp tới người dân nên cần triển khai và rút kinh nghiệm từng giai đoạn. Nếu xảy ra vướng mắc cần có báo cáo Chính phủ và đề xuất phương án xử lý sớm. Đơn cử lĩnh vực khám chữa bệnh, Phó Thủ tướng yêu cầu khi điều chỉnh giá dịch vụ thì phải xác định giá dịch vụ cao cấp và có mức trần cho giá bảo đảm tiêu chuẩn khám chữa bệnh thông thường để BHXH thực hiện việc chi trả. Đồng thời Bộ Y tế cần khẩn trương xây dựng Nghị định chuyên ngành, đảm bảo phù hợp với các quy định của Dự thảo Nghị định mới của Chính phủ và các Bộ ngành không vênh nhau và dễ dàng thực thi, triển khai trong thực tiễn…