Thanh niên 'ngại' yêu, trầm cảm vì xoắn tinh hoàn
Khi cơn đau chói ở vùng hố chậu xuất hiện nghĩ do chơi thể thao, nam thanh niên Hà Nội đã không đến viện ngay. Sau 24h không chịu được, thanh niên trẻ mới đến viện thì một “hòn cà” đã bị hoại tử buộc phải cắt bỏ.
Thanh niên |
Hoại tử một bên, buộc phải dùng “đồ giả”
Sự cố về sức khoẻ khiến nam thanh niên rơi vào trạng thái mất tự tin, không dám “yêu” thậm chí rơi vào trầm cảm. Lo lắng trước tình trạng sức khoẻ của con, ông bố đã đưa con đến BV E khám với hy vọng giúp con lấy lại sự tự tin.
Tại khoa Ngoại Thận-Tiết niệu, Bệnh viện E (Hà Nội) bố bệnh nhân cho biết, cách đây 1 năm, cậu bị xoắn thừng tinh, nhưng do đến viện muộn khiến tinh hoàn phải bị hoại tử bác sĩ buộc phải mổ cắt bỏ.
Sau khi thăm khám, nam thanh niên được tư vấn đặt tinh hoàn nhân tạo.Ths.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại Thận-Tiết niệu, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết đặt tinh hoàn nhân tạo không phải là một kỹ thuật khó, vết sẹo được che mờ gần như không thấy, thời gian mổ chỉ khoảng 15-20 phút. Bệnh nhân có thể ra viện sau can thiệp 1-2 ngày.
“Kỹ thuật đơn giản này nhưng nhiều khi có thể giúp cánh mày râu tìm lại sự tự tin, thậm chí là thay đổi cả cuộc đời”, BS Liên nói.
Theo BS Liên, đặt tinh hoàn nhân tạo được chỉ định cho những trường hợp bị thiếu một hoặc cả hai bên tinh hoàn. Nguyên nhân có thể do bệnh lý ung thư, xoắn tinh hoàn dẫn đến hoại tử hoặc tinh hoàn ẩn bị bị teo… Khiếm khuyết về hình thể này thường khiến nam giới cảm giác mất đi nửa bản lĩnh đàn ông, dẫn đến mặc cảm tự ti đặc biệt trong đời sống tình dục.
Thời điểm phẫu thuật đặt tinh hoàn nhân tạo thường được tiến hành sau phẫu thuật cắt tinh hoàn do xoắn thừng tinh, do ung thư 6 tháng; các trường hợp cắt tinh hoàn điều trị ung thư tuyến tiền liệt hoặc tinh hoàn teo do ẩn tinh hoàn có thể đặt cùng lúc mổ cắt tinh hoàn.
Đến viện sau 24h 100% không thể giữ lại được tinh hoàn
Nói về căn bệnh xoắn tinh hoàn, theo PGS. TS Nguyễn Quang, Trung tâm Nam học, BV Việt Đức, đây là một cấp cứu nam khoa thường gặp chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính.
Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21. Tại trung tâm nam học bệnh Việt Đức mỗi năm có khoảng hơn 300 trường hợp xoắn tinh hoàn được chẩn đoán, tuy nhiên tỉ lệ bảo tồn tinh hoàn khá thấp 5%, phần lớn các trường hợp đến muộn, không chẩn đoán được ngay thời điểm ban đầu.
Đồng tình với quan điểm này, BS Nguyễn Đình Liên chỉ ra trường hợp nam thanh niên từng phải đặt tinh hoàn giả mà ông vừa “xử lý” là một ví dụ điển hình cho việc đến viện muộn.
“Khi nam giới có biểu hiện đau vùng bẹn bìu cần nghĩ ngay tới bị xoắn thừng tinh như trường hợp bệnh nhân trên được xếp vào loại tối cấp cứu, bệnh nhân cần được xử trí càng nhanh càng tốt. Tránh tình trạng hoại tử đáng tiếc như nam thanh niên phải thay tinh hoàn nhân tạo mới đây”.
Đáng lưu ý, theo TS Nguyễn Quang, xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động quá mức quanh thừng tinh, dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu: động mạch và tĩnh mạch. Hậu quả dẫn đến thiếu máu, nhồi máu cấp tính tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn có thể được chia thành ba loại chính, tuỳ theo giải phẫu chi tiết của trục xoắn: Xoắn tinh hoàn và mào tinh trong màng: Thường gặp ở trẻ lớn: Xoắn tinh hoàn và mào tinh ngoài màng và xoắn tinh hoàn, mào tinh hoàn bình thường.
Xoắn tinh hoàn thường xảy ra trên những bệnh nhân có tinh hoàn ẩn. Nghiên cứu gần đây cho rằng nhiệt độ lạnh đột ngột và độ ẩm cao là điều kiện thuân lợi cho xoắn tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra sau chấn thương tinh hoàn. Phần lớn các bệnh nhân bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau chói ở bìu bệnh nhân thường nhớ rõ thời điểm đau. Có trường hợp thì nôn mửa có thể kèm theo đau.
“Nam giới có thể có biểu hiện là đau vùng bẹn-bìu cấp tính, đột ngột. Cơn đau có thể lúc tăng lúc giảm nhưng nhìn chung sẽ không biến mất hoàn toàn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể cảm thấy bìu phù nề, mất nếp nhăn, tinh hoàn cao, nằm ngang, nắn đau.
Tỷ lệ xoắn tinh hoàn thấp nhưng đa phần rơi và tuổi dậy thì hay xấu hổ nên hay chẩn đoán muộn. Độ tuổi hay gặp dưới 30, tuổi hay gặp nhất là 14 tuổi. Nếu được xử lý trước 6 giờ thì tinh hoàn có khả năng phục hồi gần như là 100%, sau 12 giờ tỷ lệ này giảm xuống 20%, sau 24 giờ thì hầu hết là không có khả năng giữ lại được tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn hay bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác, đặc biệt là viêm tinh hoàn. Có rất nhiều trường hợp người bệnh bị xoắn tinh hoàn nhưng chẩn đoán nhầm với bệnh viêm tinh hoàn khiến cho người bệnh mất đi thời gian vàng cứu tinh hoàn, dẫn đến hoại tử tinh hoàn, phải cắt bỏ”, BS Liên nhấn mạnh.
Vì thế, bác sĩ khuyên nam giới nếu có bất thường vùng bìu, đau nên đi khám sớm. Ở trẻ nhỏ nếu sờ không thấy tinh hoàn ở bìu thì nên đi khám sớm, nếu tinh hoàn ẩn thì hạ tinh hoàn xuống tránh bị teo, phải cắt bỏ để tránh ung thư hóa.
N. Huyền