Thanh long thêm "visa”, thương lái Trung Quốc "hết cửa”
Đây là loại quả tươi thứ 2 của Việt Nam được phía Nhật Bản cấp phép nhập khẩu sau xoài. Cũng như quả xoài tươi, thanh long phải được xử lý hơi nước nóng trước khi xuất khẩu. Ngoài ra, thanh long nguyên liệu phải được thu mua từ vùng trồng tuân thủ sản xuất nông nghiệp tốt và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số quản lý.
Thanh long tươi Thuận Quý (Bình Thuận) |
Thanh Long thêm “thanh thế”
Trước đó, thanh long tươi Việt Nam cũng được phía Australia thông báo đã hoàn thành phân tích nguy cơ dịch hại – bước cuối cùng để được cấp phép nhập khẩu chính thức.
Bản báo cáo khuyến nghị Australia cho phép nhập khẩu thanh long tươi từ tất cả các vùng sản xuất thanh long thương mại của Việt Nam, với điều kiện phải đáp ứng được các điều kiện về an toàn sinh học, trong đó có việc xử lý thanh long bằng hơi nước.
Australia bắt đầu quá trình xem xét việc nhập khẩu thanh long tươi của Việt Nam vào thị trường Australia từ tháng 4/2016. Các cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia đã đến thăm các vùng sản xuất thanh long chính của Việt Nam vào tháng 6/2016 để trực tiếp quan sát các hệ thống sản xuất và đóng gói.
Như vậy là sau vải thiều, xoài, sắp tới là thanh long sẽ được xuất khẩu vào thị trường Australia. Hiện nay, Australia cũng đang tiến hành việc xem xét nhập khẩu một số loại quả khác của Việt Nam.
Thương lái Trung Quốc “hết cửa” thao túng
Là một trong những “đại bản doanh” của Thanh Long tại Việt Nam, đại diện Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, hiện đã có 11 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý trái thanh long Bình Thuận. Đó là Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, Hà Lan, Hàn Quốc. Ngoài ra, còn có Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) đang trong quá trình thẩm định.
Đây là điều kiện rất thuận lợi để trái thanh long Bình Thuận mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, tăng giá trị sản phẩm, đồng thời, cũng là cơ hội để trái Thanh Long thoát khỏi sự thao túng của thương lái Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 37.000 ha thanh long, đạt sản lượng trên dưới 630.000 tấn/năm. Riêng tỉnh Bình Thuận, “thủ phủ” của cây thanh long, có diện tích đến 26.500 ha, sản lượng trung bình hơn 500.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Công Thương, hiện trái thanh long được tiêu thụ trong thị trường nội địa chỉ chiếm 15%-20% tổng sản lượng, xuất khẩu chính ngạch rất thấp (2%-3%), còn lại được xuất khẩu theo hình thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Thực trạng này khiến việc tiêu thụ trái thanh long trong thời gian qua gặp nhiều rủi ro, bấp bênh, người trồng thường xuyên bị ép giá.
Thanh long và xoài là 2 nông sản có thế mạnh của Việt Nam, đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xây dựng thương hiệu do thỏa mãn các yếu tố: Được sản xuất trên quy mô lớn với mức độ cơ giới hóa cao, có khối lượng và giá trị tiêu thụ lớn, chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nguồn: Phương Thảo/DĐDN