Thanh Hóa: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP
Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đầu tư phát triển du lịch cộng đồng theo thế mạnh của từng vùng, ưu tiên đầu tư hạ tầng cho vùng nông thôn…
Trong những năm qua, thông qua các chương trình về phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đề án phát triển du lịch cộng đồng đã được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, góp phần đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Kết quả đạt được từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo ở khu vực nông thôn; kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn đã có những thay đổi vượt bậc, ngày càng hiện đại, đồng bộ; Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả bước đầu… là điều kiện thuận lợi để các địa phương trong tỉnh phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Có thể kể đến một số sản phẩm du lịch nông nghiệp bước đầu hình thành thu hút được khách tham quan như: Thung lũng hoa Cẩm Thủy (xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy), Thung lũng hoa Tam Giác Mạch (xã Thanh Quân, huyện Như Xuân), Cánh đồng hoa Cải (xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân và xã Hoằng Lý, huyện Hoằng Hóa)…
Vẻ đẹp thiên nhiên Pù Luông luôn hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Mạnh Hùng |
Để có những kết quả trên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch như: Quyết định số 3301/2015/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1820/QĐ –UBND ngày 31/5/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Quyết định số 4620/QĐ-UBND ngày 10/11/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, Phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020”... đã góp phần đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hoá cũng đã có nhiều chính sách tăng cường hỗ trợ triển khai nhiều nhiệm vụ xúc tiến quảng bá phát triển du lịch cộng đồng; Tổ chức các đoàn Famtrip, Prestrip đưa các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị truyền thông báo chí về khảo sát các khu du lịch cộng đồng sinh thái trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa… Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: Du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo việc làm và sinh kế cho 2.420 lao động, chiếm 6,2% tổng số lao động du lịch cả tỉnh. Tổng thu du lịch nông thôn ước đạt gần 3.770 tỷ đồng, tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,3%/năm; trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế 6,9 triệu USD.
Trong những năm gần đây, du lịch tỉnh Thanh Hóa phát triển mạnh nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở vùng ven biển. Việc quy hoạch không gian sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn để đảm bảo thu hút đầu tư phục vụ du lịch chưa thật sự hiệu quả. Sản phẩm du lịch được khai thác chủ yếu dựa trên tài nguyên du lịch tự nhiên nên còn nghèo nàn, đơn điệu.
Thực tế hiện nay mô hình tổ chức du lịch cộng đồng chủ yếu mang tính tự phát; nguồn nhân lực cho phát triển du lịch cộng đồng còn hạn chế, chủ yếu là lao động giản đơn…
Với định hướng quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch gắn với chính sách phát triển nông thôn mới theo hướng liên kết vùng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với Chương trình OCOP trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra các giải pháp trọng tâm như quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng theo thế mạnh của từng vùng, trong đó chú trọng đến các vấn đề về quy hoạch không gian và đặc biệt có sự tham gia của người dân địa phương, bảo tồn không gian văn hóa, di tích lịch sử. Ưu tiên đầu tư hạ tầng cho vùng nông thôn có khả năng khai thác phát triển du lịch: Hệ thống giao thông kết nối từ các trung tâm du lịch tới các điểm du lịch nông thôn, hệ thống vận tải công cộng, hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống điện, cấp thoát nước, bãi đỗ xe, trung tâm hướng dẫn trưng bày, cung cấp thông tin du lịch, bảng giới thiệu, bản đồ hướng dẫn, điểm dừng chân…
Tỉnh cũng tăng cường phối hợp liên ngành, quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ; Tăng cường phát huy hơn nữa vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối đưa khách đến các điểm du lịch tham quan, lưu trú, mua sản phẩm nông nghiệp; Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch cộng đồng thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho bà con về các kỹ năng cơ bản…
Đặc biệt, giải pháp truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng bằng việc xây dựng bản đồ du lịch cộng đồng, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, đưa các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng gắn với các địa danh để quảng bá cho du lịch nông nghiệp tại các diễn đàn, hội chợ, hoạt động xúc tiến khác nhau; Tổ chức các đoàn famtrip, Prestrip khảo sát, xây dựng, hình thành sản phẩm du lịch đa trải nghiệm tại các địa phương… cũng được tỉnh quan tâm triển khai trong thời gian tới.
Mạnh Hùng