Thanh Hóa: Dự án trồng xoan 10 năm chưa chịu lớn, chờ được ăn chắc 'chết'
Dự án trồng xoan sinh kế thoát nghèo vùng biên, đã 10 năm trôi qua nhưng cây xoan mãi không chịu lớn. Trong khi mỗi cây xoan bán chỉ được có 3.000 đồng, còn cây luồng thì bán được những 25.000 đồng'.
Dự án trồng xoan thực hiện 10 năm vẫn chưa kết thúc, người dân chán nản chặt bỏ. |
Cây trồng 3 năm cho không ai lấy, bán cả hecta không được 1 triệu đồng
Theo tìm hiểu của PV, năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập Ban Chỉ đạo phát triển Kinh tế xã hội huyện Mường Lát để thực hiện dự án trồng rừng 147 với mục đích chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng sản xuất để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Thời điểm này, cây xoan, lát là cây được lựa chọn để thực hiện dự án.
Người dân được hỗ trợ cây giống miễn phí, Chính phủ hỗ trợ 10kg gạo/khẩu/tháng để trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng đến khi thu hoạch xoan.
Trước đó, vào năm 2009 - 2010, khi khảo sát, trồng thử nghiệm cây xoan ở các vùng đất khác nhau trên địa bàn huyện Mường Lát cho thấy cây sinh trưởng tốt, phát triển nhanh. Dự án đã chọn trồng loại cây này trên tổng diện tích hơn 17.000ha (tính đến năm 2019 - PV) ở các xã Tam Chung, Quang Chiểu, Mường Lý... Tuy nhiên, khi triển khai trồng đại trà thì kết quả không như mong đợi.
Anh Giàng A Sỵ (35 tuổi, trú bản Pom Khuông, xã Tam Chung, huyện Mường Lát) cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 2ha từ năm 2013 nhưng cây không lớn được, chết dần nên tôi đã chặt đi một ít về làm chòi, bếp, chuồng trâu bò và chủ yếu làm củi. Cho người ta khiêng đi bán họ cũng không lấy vì vác đi quãng đường xa, ra đến đường cái bán được 10.000 đồng, xe máy không chở được (khúc xoan dài, ở sâu trong rừng, đường nhỏ - PV) mà chỉ những nhà gần đường mới bán được”.
Là cây sinh kế giúp người dân thoát nghèo nhưng cây xoan trồng mãi không lớn. |
Nhiều cây chết khô, người dân bỏ mặc, không buồn lấy về làm củi. |
Tương tự như anh Sỵ, gia đình ông Lương Văn Phường (62 tuổi, bản Cân) cho hay: "Tôi hôm trước chặt gần 1ha mà chỉ bán được 830 nghìn đồng, còn lại chỉ còn vài cây như bắp tay, cổ chân để lại làm củi.
May mắn hơn nhà ông Phường, gia đình ông Lộc Văn Đường (54 tuổi, trú bản Cân, xã Tam Chung) thu hoạch 1,2 - 1,3ha xoan bán được 3 triệu đồng.
Cũng theo người dân địa phương, những gia đình nào trồng xoan ở gần đường cái, thuận tiện cho việc đi lại thì mới bán được, còn những hộ trồng ở xa trên nương rẫy sâu trong rừng thì việc bán khó khăn hơn, thậm chí nhiều hộ không thể bán được.
Người dân Mường Lát phản ánh thực trạng dự án trồng xoan với PV Infonet. |
Người dân thất vọng với cây xoan ''sinh kế''. |
Trồng cây 10 năm, nguy cơ bỏ không
Được kỳ vọng là cây phát triển kinh tế giúp người dân huyện biên giới thoát nghèo, nhưng sau 10 năm, dự án này chưa thể tổng kết và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc được. Người dân không còn mặn mà, nhiều hộ đã phá bỏ cây xoan để trồng sắn, trồng lúa, lấy lương thực phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Ghi nhận của PV, dọc các sườn đồi, núi, con suối, bờ sông... đâu đâu cũng thấy trồng xoan nhưng đã 10 năm trôi qua cây to nhất chỉ lớn hơn bắp đùi, còn lại còi cọc chỉ như cổ chân, cổ tay...; nhiều cây chết khô người dân cũng bỏ mặc, không chặt về nhà làm củi.
“Lúc trồng xoan thì cán bộ hạch toán khoảng 7-8 năm cho thu hoạch với giá dự tính 100 nghìn đồng/cây, nhưng trồng mãi cây không chịu lớn, mà cây xoan rừng cũng mọc trên đất đấy lại lớn rất nhanh”, một người dân cho hay.
Những cây xoan lớn được người dân thu hoạch để bán nhưng giá gỗ xoan rất rẻ, nhiều người chỉ mang về làm củi.
Nhiều diện tích trồng xoan không hiệu quả bị xóa bỏ để trồng sắn. |
Cũng theo người dân, khi trồng rừng được gạo ăn, có tiền nên người dân rất hào hứng, có bao nhiêu đất cũng trồng xoan hết, nhưng sau 7 năm thì việc hỗ trợ gạo chấm dứt. Gạo thì cắt nhiều năm rồi mà dự án không biết khi nào mới kết thúc.
Trò chuyện với phóng viên, ông Vi Văn Thử thở dài: ''Chờ ''ăn'' được cây xoan chắc tôi chết luôn, mỗi cây xoan bán chỉ được có 3.000 đồng, còn cây luồng thì bán được những 25.000 đồng''.
Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Mường Lát, việc trồng rừng nhằm mục đích phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đồng thời nâng cao ý thức của người dân ở miền núi về trồng rừng. Tuy nhiên, do đặc điểm khí hậu, đất đai thổ nhưỡng ở Mường Lát khác nhau nên việc trồng xoan không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Dự án trồng xoan 10 năm không hiệu quả mà vẫn chưa được tổng kết khiến người dân ngao ngán. |
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) xác nhận thông tin phản ánh của người dân là đúng và cho biết thêm: “Dự án trồng rừng 147 vẫn chưa tổng kết. Hiện nay UBND tỉnh đang giao cho Viện nông nghiệp Thanh Hóa điều tra thổ nhưỡng, khí hậu đất đai ở Mường Lát để có định hướng phát triển phù hợp”.
Được biết, theo dự tính thì năm 2019 dự án 147 đã phải tổng kết, nhưng thực tế kéo dài tới tận bây giờ và không biết đến khi nào thì mới kết thúc.
Trần Nghị