Thanh Hóa: Chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số
Đời sống nhân dân vùng dân tộc luôn được các cấp các ngành quan tâm. |
Chăm lo đời sống nhân dân
Trong 9 tháng đầu năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia đối với đồng bào dân tộc thiểu số đạt được những bước phát triển.
Vùng đồng bào các dân tộc ở Thanh Hóa chịu ảnh hưởng của thiên tai do mưa lũ gây thiệt hại về người và kinh tế, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn cũng như nhiều gia đình bị mất nhà, mất cửa, thiếu ăn do mưa lũ gây ra và thiếu ăn giáp hạt sau tết.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành quan tâm đời sống nhân dân vùng dân tộc được ổn định. Tuy nhiên, trước tết nguyên đán Mậu Tuất trên địa bàn các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Như Xuân có một số đồng bào dân tộc thiểu số thiếu ăn trong dịp tết được UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ với tổng số gạo 216.330kg cho 2.468 hộ/ 14.422 khẩu, bình quân 15kg/tháng/người.
Việc thực hiện công văn số 170/UBND-TH ngày 9/3/2018 của Ủy ban Dân tộc về việc tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi, rà soát hộ dân tộc thiểu số thiếu đói giáp hạt sau tết Nguyên đán, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND các huyện miền núi rà soát các hộ để lập danh sách đề nghị hỗ trợ kịp thời cho 1.116 hộ.
Bên cạnh đó, mưa lũ trong 9 tháng đầu năm tại Thanh Hóa cũng khiến hàng chục người chết và mất tích, nhiều hộ dân mất nhà, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều ha hoa màu bị cuốn trôi, vùi lấp khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn về mọi mặt.
Ngay sau đó Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các ban, ngành và các huyện chỉ đạo cứu trợ cho nhân dân vùng lũ và chỉ đạo khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm vùng dân tộc đã gieo trồng với tổng diện tích trồng trọt là 137.549ha, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2017 chủ yếu là cây lúa, ngô, sắn, lạc, mía...về chăn nuôi với tổng đàn trâu là 152 nghìn con; bò 106 nghìn con; 263 nghìn con lợn; về gia cầm 4.266 nghìn con. Về lâm nghiệp trong 9 tháng vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã trồng rừng tập trung được 7.000ha...
Việc đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc luôn được chú trọng. |
Đào tạo nghề, việc làm
Không chỉ việc chăm lo đời sống cho bà con vùng dân tộc mà việc mở lớp đào tạo nghề và giáo dục nghề nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào miền núi luôn được các cấp, các ngành quan tâm thường xuyên.
Hiện nay trên địa bàn 11 huyện miền núi Thanh Hóa có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm 2 trường Trung cấp nghề và 10 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số như các nghề về chăn nuôi, trồng trọt, các lớp thủ công mỹ nghệ, các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc... Với tổng số người được đào tạo nghề là 6.029 người. Trong đó, số người đào tạo ra trường được bố trí việc làm 4.800 người.
Trong 9 tháng đầu năm, 11 huyện miền núi đã đào tạo và đi xuất khẩu lao động được 1.700 người , tập trung ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ả rập xê út...
Ngoài ra cơ sở vật chất, trường lớp học được đầu tư nâng cấp, máy móc được đầu tư hiện đại để phục vụ công tác đào tạo nghề cho nhân dân.
Bên cạnh đó, về văn hóa các huyện, xã, thôn, bản đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí cho nhân dân trong ngày lễ và tết Nguyên đán. Cũng như Sở VHTT&DL phối hợp với Ban Dân tộc và UBND huyện Thạch Thành tổ chức Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII.
Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc và miền núi cả nội địa và biên giới đều ổn định. Tuy nhiên, tình hình di cư tự do của đồng bào Mông vẫn còn diễn ra.
Trong đó, 9 tháng đầu năm đã có 9 hộ dân với 46 nhân khẩu ở các xã Trung Lý, Mường Lý, Pù Nhi, huyện Mường Lát di cư đi Lào và các tỉnh Tây Nguyên.