Thành công mới và bài học cũ trong xuất khẩu gạo
Dù vậy, nếu nhìn kỹ, có thể thấy bức tranh sáng năm 2011 còn “vết gợn” đáng chú ý. Ở thời đoạn được giá nhất thì khối lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt mức thấp nhất, ngược lại, lúc giá thấp nhất thì xuất nhiều nhất. “Bài học” cũ đang dần hé lộ.
Thành công kép
Trong 3 năm liên tiếp, lúa gạo Việt Nam liên tục bứt phá để phá vỡ những kỷ lục của chính mình. Với việc vượt qua ngưỡng 6 triệu tấn năm 2009, tăng gần 1,4 triệu tấn so với năm 2008, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt qua ngưỡng tỷ lệ 20% trong “rổ gạo xuất khẩu” của thế giới. Tiếp theo, năm 2010, gạo xuất khẩu Việt Nam chiếm đến 21,4% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới với 6,75 triệu tấn. Còn năm 2011, tuy chỉ tăng 350.000 tấn so với năm 2010, nhưng Việt Nam vẫn chiếm 20,7% “rổ gạo xuất khẩu” của thế giới. Con số này còn có ý nghĩa hơn nhiều khi so sánh với 20 năm trước đó. Từ 1989 đến 2008, bình quân tỷ lệ này của Việt Nam chỉ là 14,4%. Đây chính là một kỷ lục mà không một quốc gia xuất khẩu gạo nào đạt được.
Xuất khẩu gạo trong năm 2011 đã đạt kết quả “kép” đáng tự hào: không chỉ tăng khối lượng mà còn tăng cả giá. Với kim ngạch cao chưa từng có, đạt hơn 3,5 tỷ USD, giá gạo xuất khẩu bình quân đã đạt gần 494 USD/tấn, tăng 14,5 % so với năm 2010 và chỉ kém kỷ lục của năm sốt nóng giá gạo thế giới 2008 (569 USD/tấn). Đây là chỉ số rất đáng mừng, bởi theo thống kê của FAO, chỉ số giá gạo thế giới năm 2011 chỉ tăng bình quân 10,9% so với cùng kỳ năm 2010.
Gạo Việt Nam được giá trên trường quốc tế, nên giá lúa của nông dân cũng được đẩy lên mức kỷ lục. Thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa khu vực ĐBSCL năm 2011 đạt gần 6.100 đồng/kg, tăng gần 1.800 đồng và 41,7%.
Đỉnh khối lượng và đáy giá trị
Nhưng những con số tăng trưởng liên tục trên lại báo động một thực tế đáng lo của xuất khẩu gạo. Xuất khẩu gạo năm 2011 không thoát khỏi “căn bệnh” tích cực bán ra khi giá thấp, còn giá tăng thì “co lại” như thực tế những năm qua đã từng xuất hiện, điển hình là liên tục trong 3 năm 1998 - 2000 và gần đây là năm 2008.
Cụ thể, số liệu của VFA, nếu tính theo quý, khi giá gạo xuất khẩu quý II ở mức đáy 465 USD/tấn, thì khối lượng lại ở mức đỉnh 2,053 triệu tấn, chiếm 28,9% tổng khối lượng xuất khẩu cả năm, ngược lại, khi giá quý IV đạt đỉnh 562 USD/tấn thì khối lượng chỉ đạt 1,234 triệu tấn, chỉ chiếm 17,4%. Hoặc nếu chỉ phân đoạn theo hai kỳ, trong 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu chỉ đạt 476 USD/tấn thì khối lượng xuất khẩu đến 5,31 triệu tấn, chiếm 74,7%, còn 4 tháng cuối năm, khi giá cao ngất ngưởng 547 USD/tấn thì khối lượng xuất chỉ đạt 1,794 triệu tấn, chỉ chiếm 25,3%.
Và hệ quả phát sinh là, trong khi sản lượng lúa năm 2011 thuộc loại tăng “khủng” 2,32 triệu tấn, thì khối lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 350.000 tấn! Nên tồn kho đang là gánh nặng đối với doanh nghiệp? Vì tương ứng với sản lượng lúa tăng 2,32 triệu tấn là khoảng 1,2 – 1,3 triệu tấn gạo, nên hiện đang có khoảng 850.000 – 950.000 tấn gạo tồn kho tăng thêm so với cùng kỳ năm 2010.
Trong điều kiện như vậy, nếu như giá gạo xuất khẩu trong những tháng tới tiếp tục xu thế hạ nhiệt như từ tháng 10 trở lại đây, thì khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo này sẽ phải đối mặt là không hề nhỏ, thậm chí có thể lỗ lớn.