Thanh Chương (Nghệ An): Đào tạo nghề cho hơn 4.500 người trong năm 2017
Nhà máy may xuất khẩu Venture tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương thu hút hàng ngàn lao động địa phương. (Ảnh. BNA) |
Huyện Thanh Chương ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, phía bắc giáp huyện Đô Lương và huyện Anh Sơn; phía nam giáp tỉnh Hà Tĩnh; phía đông giáp huyện Nam Đàn; phía tây và tây nam giáp huyện Anh Sơn và tỉnh Bôlykhămxay (nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào) với đường biên giới quốc gia dài 53 km và cách thành phố Vinh khoảng 50 km.
Là địa bàn rộng, có dân số động nên nhu cầu học nghề, đào tạo việc làm để giải quyết công việc người lao động luôn được các Ban, ngành chức năng của địa phương chú trọng.
Trong năm qua, UBND huyện Thanh Chương tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề, gắn với tổ chức giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020", Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, tích cực tuyên tuyền thông tin về thị trường lao động trong nước, phối hợp với Sở Lao động Thương binh & Xã hội giới thiệu các công ty, doanh nghiệp có chức năng tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Từ đầu năm 2017 đến nay, đã tổ chức đào tạo nghề cho 4.612 lao động, đạt 102,5%; giải quyết việc làm mới 3.086 lao động, đạt 102,9%, trong đó xuất khẩu lao động 1.083 người, đạt 108,3% kế hoạch năm.
Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, ông Đặng Văn Lập – Trưởng phòng Lao động Thương binh & Xã hội huyện Thanh Chương cho biết: Số lao động chủ yếu được đào tạo nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên của huyện. Bên cạnh đó, thông qua các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư để liên kết đào tạo nghề như: May mặc, chăn nuôi, phòng bệnh gia súc, gia cầm, nghề thêu dệt thổ cẩm… mang lại hiệu quả cao; giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
“Trong năm qua, địa phương tiếp tục thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo cho các đơn vị liên kết đào tạo nghề và giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống” – Ông Trình Văn Nhã – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết.
Được biết, đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ là đề án được ưu tiên về vốn đầu tư, với tổng kinh phí gần 26 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, Nghệ An được phê duyệt theo lộ trình đến năm 2020 là hơn 800 tỷ đồng. Triển khai từ tháng 10/2010 đến nay tuy chưa lâu nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến huyện, xã, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể nên đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Để triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh Nghệ An đã huy động gần 50 cơ sở đào tạo nghề bao gồm các trường dạy nghề công lập, các trung tâm dạy nghề của huyện và các cơ sở ngoài công lập. Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được xây dựng với mục tiêu dạy nghề cho lao động để phát triển, khôi phục lại nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng tay nghề cho lao động nông thôn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã đủ tiêu chuẩn phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập cho nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít tồn tại, khó khăn như: Tỷ lệ chưa qua đào tạo trong lao động nông thôn còn cao, tập trung vào người nghèo, vùng núi cao, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển.
Không phải tất cả các lớp mở ra đều thật sự hiệu quả, nhiều người học xong không có điều kiện áp dụng vào thực tế. Việc mở các lớp và vận động người dân theo học cũng gặp không ít khó khăn. Có những cơ sở đào tạo chưa phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình. Do đó việc nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo và đẩy mạnh đầu ta cho người học là vấn đề cần đặc biệt chú trọng hiện nay.