Thái Nguyên in 3.420 đĩa CD hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt
Báo cáo Kết quả thực hiện Dự án "Truyền thông và giảm nghèo thông tin" của Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên cho biết tỉnh đã thực hiện chương trình hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông, lâm sản phù hợp với từng địa phương. Những thông tin này được in ra 3.420 đĩa CD để phát hành về 180 xác phường thị trấn.
Hệ thống truyền thanh hỗ trợ giảm nghèo thông tin. |
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện thị xã xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình theo chuyên đề phù hợp với tình hình đặc thù của địa phương.
Các chương trình chủ yếu phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc trên đia bàn tỉnh Thái Nguyên.
Chia sẻ về hiệu quả truyền tải thông tin qua hệ thống loa truyền thanh, bà Vũ Thị Thương Huyền, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho rằng đây là hình thức truyền tải thông tin hữu ích đối với người dân tại địa phương.
"Công tác tuyên truyền có tác dụng rất lớn với người dân. Khi người dân ngh, người dân hiểu mới làm theo. Trọng tâm làm thế nào đẻ thông tin đến người dân trực tiếp hiệu quả nhất. Hệ thống truyền thanh phát huy rất tốt nhiệm vụ này", bà Huyền khẳng định.
Vị Phó chủ tịch chỉ ra hiệu quả lớn nhất mà hệ thống loa truyền thanh làm được là khiến người dân tiếp nhận đều đặn thông tin như một thói quen.
Trước đây là thị trấn Đồng Hỷ là nông trường chè, hệ thống phát thanh được phủ sóng toàn bộ các đội sản xuất. Tuy nhiên trong thời kì đổi mới, hệ thống loa truyền đã thanh cũ, mất 1 thời gian dài hệ thống này bị gián đoạn. Vì vậy, thị trấn đã xin một phần kinh phí đồng thời xã hội hóa để tổ chức được các chương trình phát thanh.
Theo bà Huyền, dù hình thức truyền thanh đã cũ so với hệ thống thông tin từ mạng internet, truyền hình... nhưng cần thiết với người dân lao động, người cao tuổi tiếp nhận thông tin mới gặp không ít khó khăn. "Đây là bộ phận lớn thính giả nhận thông tin qua truyền thanh. Một nửa số dân tại địa phương tiếp nhận thông tin qua hệ thống loa", vị Phó Chủ tịch chia sẻ.
Bên cạnh đó, đài phát thanh tại các địa phương còn tiếp nhận sóng từ đài tỉnh, đài huyện và các chương trình thông tin giảm nghèo bền vững từ Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh.
Năm 2017, Thái Nguyên sản xuất 63 chương trình phát sóng trên 9 đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thị xã, thành phố.
Trong đó, tỉnh sản xuất 9 bản tin 5 phút, 36 chương trình phổ biến kiến thức và 18 chương trình tạp chí chuyên đề với các nội dung tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các chương trình cũng góp phần tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, giới thiệu mô hình sản xuất kinh doanh giỏi và các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc.
Các chương trình được triển khai thuộc Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo thông tin giai đoạn 2016 - 2020.
Thái Nguyên đặt mục tiêu truyền thông của năm 2017 là tăng cường phổ biến chủ trương chính sách; cung cấp, giới thiệu các kinh nghiệm, gương điển hình trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Thái Nguyên đặt mục tiêu phổ biến kiến thức về các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng giới thiệu, phổ biến các thông tin về bảo tồn văn hóa phục vụ đồng bào các dân tộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, thông qua các chương trình phát thanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân; đảm bảo an ninh quốc phòng.
Với hoạt động thuyền thông về giảm nghèo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xuất bản và phát hành 33.000 tờ gấp tuyên truyền. Sở cũng phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sản xuất 6 chương trình truyền hình; cùng báo Thái Nguyên và các cơ quan báo chí của tỉnh sản xuất các bài viết tuyên truyền về chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước.