Thái Bình: Vận động người dân bảo vệ môi trường nông thôn
Học sinh trường TH và THCS Đông Kinh, Đông Hưng thu gom rác. |
Đạt tiêu chí môi trường
Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phổi hợp với nhiều cơ quan ban ngành xây dựng tiêu chí phát triển môi trường nông thôn.
Trải qua gần 10 năm với những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, hiện nay môi trường sống ở nông thôn Thái Bình đã có những chuyển biến và được cải thiện đáng kể, hoạt động bảo vệ và phát triển môi trường nông thôn ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn tiếp tục được tập trung đầu tư, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100 %.
Nước sạch nông thôn đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho các vùng nông thôn, tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch lên trên 96%, đồng thời làm giảm thiểu các loại dịch bệnh liên quan đến nguồn nước như: tiêu hóa, đau mắt hột, bệnh phụ khoa. Các cơ sở sản xuất kinh doanh , nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.
Hệ thống thu gom, tiêu thoát nước được xây dựng đồng bộ với đường giao thông nông thôn đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư. Các hoạt động trồng cây xanh và bảo vệ cây xanh nơi công cộng được tổ chức và duy trì. Các xã đều quy hoạch vị trí các nghĩa trang và xây dựng quy chế hoạt động. Đến nay, 100% xã, thị trấn đã thành lập tổ, đội vệ sinh tự quản thu gom, vận chuyển rác thải. Đồng thời tỉnh đã hỗ trợ 232.831,398 triệu đồng thu gom, xử lý rác thải và đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt. Đến hết năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 90 lò đốt rác được đầu tư xây dựng và hoàn thành, đi vào vận hành xử lý rác thải sinh hoạt cho 119 xã, thị trấn.
Hiệu quả hoạt động và chất lượng khu xử lý theo công nghệ lò đốt đã xử lý cơ bản lượng rác thải phát sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm diện tích đất so với khu xử lý theo công nghệ chôn lấp hoặc ủ vi sinh kết hợp chôn lấp. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 100%. Tỳ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 87,1%.
Để đạt được tiêu chí về môi trường nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền và các đoàn thể; tăng cường vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu dân cư, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại, đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải và xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn. Khuyến khích các cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa. Đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn…
Huyện Đông Hưng - điểm sáng về môi trường
Đến nay, 43/43 xã của huyện Đông Hưng đã thành lập và duy trì tổ thu gom rác thải, toàn bộ số xã của huyện tổ chức tổng vệ sinh môi trường vào ngày 24 hàng tháng, 11/12 xã đã xây lò đốt rác đốt rác theo tiêu chuẩn của tỉnh và hoạt động rất hiệu quả . Về cơ bản, công tác thu gom xử lý được 95% rác thải sinh hoạt ở nông thôn, ý thức về tự bảo vệ môi trường trong khu vực mình sinh sống ngày một nâng cao.
Trong thời gian tới, UBND huyện Đông Hưng sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý, xử lý các chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất, yêu cầu thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện; đối với các cơ sở thành lập mới phải có đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm, gây tác động xấu đến môi trường…
Thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, khu xử lý nước thải tập trung của các cụm công nghiệp; có cơ chế khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư và có lộ trình di dời các doanh nghiệp sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường trong khu dân cư ra đầu tư tại các cụm công nghiệp để sản xuất tập trung thuận tiện trong công tác quản lý, xử lý chất thải ra môi trường.
Thường xuyên phát động và tổ chức phong trào toàn dân làm vệ sinh môi trường như ngày cuối tuần, tổng vệ sinh môi trường ngày 24 hằng tháng, tháng cao điểm vệ sinh môi trường, thay đổi ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan …Các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch trồng cây, hoa trên các tuyến đường liên thôn, đường trục thôn, xóm. Tổ chức thu gom, xử lý rác thải dọc tuyến kênh cấp I, cấp II, tuyến đê tả Sông Trà lý, Sông Sa Lung, Sông Tiên Hưng …. đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp bền vững.