Thái Bình: Mở rộng mạng lưới, kết nối kinh doanh đưa hàng Việt về nông thôn
Thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều biện pháp đưa hàng Việt về nông thôn.
Phát triển mạng lưới điểm bán hàng Việt
Thực hiện chỉ thị 19 của Tỉnh uỷ Thái Bình, thời gian qua huyện Đông Hưng liên tiếp thực hiện các hoạt động đưa hàng hoá Việt về nông thôn. Theo đó, UBND huyện Đông Hưng đã phối hợp với Sở Công Thương và hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thanh Hoa tổ 7 thị trấn Đông Hưng tổ chức khai trương điểm bán hàng Việt. Đây là điểm bán hàng Việt đầu tiên trên địa bàn huyện do Sở Công Thương lựa chọn xây dựng và đưa vào hoạt động, nhằm phát triển hệ thống phân phối, kết nối sản xuất - tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa Việt Nam đến gần hơn người tiêu dùng. Đồng thời tạo tiền đề để nhân rộng mô hình bán hàng Việt Nam ra toàn huyện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong huyện khai thác tốt thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng hàng, phát triển sản xuất bền vững.
Ngoài ra, năm 2021, xã An Châu của huyện Đông Hưng cũng năm trong kế hoạch chương trình đưa hàng Việt về nông thôn Thái Bình. Chương trình có 14 doanh nghiệp tham gia, tổ chức 24 gian hàng, với các sản phẩm gồm: các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt, học tập; các mặt hàng điện tử, điện máy; hàng nông, lâm, thủy sản, lương thực, thực phẩm chế biến; thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu; sản phẩm cơ khí, máy móc phục vụ nông nghiệp và cơ giới hóa nông thôn; hàng may mặc, thời trang… Chương trình nhằm giúp người tiêu dùng nông thôn tiếp cận, sử dụng và hình thành thói quen ủng hộ hàng Việt Nam. Đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng mạng lưới phân phối ở thị trường nông thôn.
Trong tháng 10/2021, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cũng tổ chức khai trương điểm bán hàng Việt tại thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải. Việc xây dựng điểm bán hàng Việt nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp cho người dân có thêm địa chỉ mua sắm hàng hóa uy tín. Các điểm bán hàng Việt góp phần phát triển hệ thống phân phối đưa hàng hóa thiết yếu có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam đến tay người tiêu dùng và thể hiện lòng tự hào dân tộc.
Khu bán hàng Việt Nam thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. |
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường đưa hàng Việt về nông thôn
Trước đó, nhằm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Ban Thường vụ tỉnh uỷ tỉnh Thái Bình đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Chỉ thị cũng yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm đưa hàng Việt về nông thôn, triển khai các giải pháp cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh xây dựng và quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, ký kết hợp đồng phân phối và tiêu thụ sản phẩm, trước hết tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh, đồng thời đẩy mạnh tiêu thị trên thị trường trong tỉnh, trong nước, tranh thủ cơ hội mở rộng thị trường nước ngoài nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại và thị trường mà tỉnh có mỗi quan hệ hợp tác. Tăng cường ứng dụng thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hoà với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống, công khai, minh bạch thông tin liên quan tới tiêu chuẩn, giá cả, nguồn gốc và xuất sử sản phẩm hàng hoá.
Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhằm khơi dậy mạnh mẽ hơn tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam.
Đặc biệt là phát huy truyền thống văn hoá, yêu nước, cách mạng của người Thái Bình trở thành nguồn lực tinh thần, sức mạnh nội sinh trong sản xuất, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện cuộc vận động toàn diện trên các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng.
Khuyến khích động viên người tiêu dùng trong tỉnh ưu tiên dùng hàng Việt Nam trước hết là các sản phẩm hàng hoá sản xuất trong tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ưu tiên sử dụng các nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ sẵn có trong nước, trong tỉnh và liên kết, trao đổi các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của nhau để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ phục vụ đặc biệt người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, nhất là tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp của tỉnh.
P.Thúy