Thái Bình: Đổi thay ở xã Nam Cường từ Chương trình MTQG xây dựng NTM
Xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. |
Từ vùng sình lầy
Nam Cường Tiền Hải vốn là vùng đầm lầy, sình lau, sú vẹt. Thực hiện chủ trương của tỉnh với hai hướng thâm canh cây lúa và tấn công ra biển, người dân trong huyện đã bắt đầu ra xã Nam Cường khai hoang từ những năm đầu 1960.
Đến nay, xã Nam Cường đã trở thành một trong những xã có sự phát triển sản xuất kinh tế cao. So với các xã nội đồng, người dân ở xã Nam Cường cũng gặp nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt. Tuy nhiên, người dân Nam Cường vẫn bám đồng, bám ruộng.
Từ lợi thế và những hạn chế của vùng đất biển chua mặn; người dân đã nhận ra muốn làm giàu phải tìm được phương hướng sản xuất phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm để rồi nhân rộng. Thực tế sản xuất nhiều năm giúp người dân nhận ra lợi thế của vùng; nhiều khu đất trồng lúa ít sinh lợi được chuyển sang làm trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cả nước ngọt lẫn nước lợ.
Người dân thường xuyên thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi. Thay vì nuôi cá truyền thống, người dân đưa nhiều giống mới vào nuôi trồng khai thác. Chính vì thế, ngày nay, Nam Cường đã có mô hình cánh đồng trăm triệu.
Mỗi 1ha nuôi tôm thẻ, người dân cũng có thể thu được 400 – 500 triệu đồng. Tôm thẻ là loại dễ nuôi, thời gian chỉ mất 3 tháng. Nếu trước người dân nuôi cá trắm phải mất 2 năm mới được 5,6kg để bán thì giờ đây họ đã chuyển hướng sang nuôi trồng giống mới.
Về nuôi trồng thủy sản, xã đã quy hoạch vùng nuôi ngao, nuôi tôm, nuôi cá là đối tượng nuôi chủ lực. Năm 2018, một số mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh công nghệ cao vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, kết quả này đã cho thấy đây là hướng đi đúng.
Ngoài ra, xã đã quy hoạch chuyển đổi 12ha đất úng trũng sang nuôi thủy sản nước ngọt kết hợp mô hình VAC nuôi cá vược, cá chình, cá trắm đen... sản lượng từ 5-6 tấn/ha, giá trị 500-600 triệu đồng. Một số mô hình nuôi tôm thẻ, tôm sú đã cho giá trị 200-300 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, với 21 tàu thuyền tham gia đánh bắt ven biển đã bảo đảm đời sống ổn định cho trên 50 ngư dân.
Phát triển đồng bộ
Toàn xã Nam Cường có khoảng 1000 gia đình, đến nay người dân đã có điều kiện kinh tế hơn. Từ khi xây dựng nông thôn mới đường xá được mở rộng. Đường to, đi lại thuận tiện hơn. Người dân đã hưởng lợi từ chương trình nông thôn mới. Từ đường mòn đi ra xã thì hiện nay xã Nam Cường đã có đường bê tông.
Xã Nam Cường cũng tích cực đầu tư cho giáo dục. Trường mầm non tập trung của xã được được xây dựng mới. Nhà trường có tỷ lệ học sinh vào học rất cao, mẫu giáo đạt 100% học sinh, nhà trẻ đạt 75%. Học sinh được ăn bán trú.
Từ năm 2012, Nam Cường đã được xây dựng hệ thống nước sạch về tận nơi. Từ năm 2013, xã đã thực hiện việc xử lý rác thải theo công nghệ lò, 100% số thôn có tổ vệ sinh môi trường chuyên thu gom rác thải, qua đó môi trường nông thôn được cải thiện, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Kinh tế phát triển tương đối toàn diện, tốc độ phát triển kinh tế tăng trưởng khá, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản trong cơ cấu kinh tế tăng nhanh, nhiều dự án đầu tư được triển khai thực hiện.
Trong năm 2018, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự quan tâm của cấp trên, kinh tế - xã hội của xã tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, giá trị sản xuất toàn xã tăng 62,6%, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Diện mạo nông thôn ở Nam Cường như một bức tranh với những gam màu tươi sáng của những công trình xây dựng mới, những ngôi nhà cao tầng và con đường bê tông thẳng tắp, sạch sẽ, rộng rãi...
Có được điều đó là nhờ xã đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Công tác quản lý nhà nước về môi trường có chuyển biến tích cực.