Tết Hàn thực không chỉ có bánh trôi, bánh chay
Tết Hàn thực được nhiều người gọi là Tết bánh trôi - bánh chay. Song, dịp này còn có rất nhiều món bánh truyền thống được bán trên thị trường để người tiêu dùng lựa chọn.
Vào ngày Tết Hàn thực (3/3 âm lịch hàng năm) các gia đình thường làm bánh trôi, bánh chay để dâng cúng ông bà, tổ tiên và cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Những chiếc bánh tròn xoe được làm từ gạo nếp được dân gian đặt cho nhiều ý nghĩa. Trong đó, bánh trôi tượng trưng cho 50 người con theo mẹ Âu Cơ đi xuống biển, bánh chay lại thể hiện cho 50 người con theo cha Lạc Long Quân lên rừng. Chính vì vậy, tự tay làm bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn thực cũng là một cách để các thế hệ con cháu tưởng nhớ về nguồn cội.
Theo thời gian những viên bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn thực cũng được đổi mới, sáng tạo với nhiều hình thức mới lạ, hấp dẫn, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.
Bên cạnh những viên bánh có màu trắng trong từ bột gạo theo cách làm truyền thống, người nội trợ ngày nay còn pha thêm những màu sắc từ hoa, lá, quả cây thiên nhiên vào để làm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc. Những viên bánh được "khoác" lên lớp màu xanh của lá dứa/trà xanh, màu vàng của quả dành dành, màu đỏ của gấc, màu tím của lá cẩm… trở nên xinh xắn, bắt mắt hơn.
Tiếp theo trào lưu làm bánh trôi, bánh chay sắc màu, những chị em khéo tay còn tạo thêm nhiều hình dáng đẹp mắt cho bánh như: nặn bánh thành hình bông hoa hay hình những con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Tết Hàn thực năm nay, thêm một sản phẩm bánh hiện đại được sáng tạo, lấy cảm hứng từ bánh trôi, bánh chay truyền thống ra mắt thị trường và tạo thành trào lưu bánh nghệ thuật. Đó là những chiếc bánh được làm theo phong cách bánh tạo hình nghệ thuật của Nhật Bản, với hình những chiếc búp sen, hoa sen, đài sen đẹp không nỡ ăn.
Tết Hàn thực không chỉ có bánh trôi, bánh chay
Không chỉ có bánh trôi, bánh chay, mà đây cũng là dịp để người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể thưởng thức thêm nhiều món bánh dân tộc. Trong những ngày trước và trong Tết Hàn thực, các nhà sản xuất, nhà cung cấp giới thiệu nhiều món bánh truyền thống mang hương vị của các vùng, miền khác nhau.
Đó là món bánh gio (bánh tro) được làm từ hai nguyên liệu chính là gạo nếp và nước tro. Cầu kỳ, tỉ mỉ, nước tro được pha chế từ tro than của các loại thảo mộc, dược liệu để chiếc bánh ngon lành, giàu dinh dưỡng hơn. Bánh gio sau khi luộc trong nhiều giờ hạt gạo chín nhừ quyện vào nhau thành một khối có màu trong như hổ phách, mềm mượt, thanh mát, chấm với mật mía ngọt ngào. Bánh gio có giá bán từ 5.000 – 10.000 đồng/chiếc, tùy loại.
Góp mặt trong "bộ sưu tập" các món bánh Tết Hàn thực là những chiếc bánh dân tộc nhỏ xinh, được làm từ bột gạo, bột năng, đậu xanh và nhiều nguyên liệu thiên nhiên để tạo nên hương vị của những chiếc bánh gấc, bánh mảnh cộng, bánh ngải cứu, bánh lá cẩm, bánh hoa đậu biếc…
Tết Hàn thực năm 2022, bánh trôi, bánh chay và những chiếc bánh dân tộc được kết hợp đưa vào các mâm lễ đang là lựa chọn của nhiều gia đình. Một chiếc bánh dân tộc có giá 5.000 đồng, set bánh Tết Hàn thực có giá từ 90.000 đồng trở lên.
Từ nguyên liệu chính là gạo nếp, đậu xanh, bánh nếp cũng là loại bánh được lựa chọn để dâng cúng trong Tết Hàn thực. Lớp bột nếp dẻo thơm, bao ngoài lớp nhân đậu xanh xay nhuyễn. Ngày nay, bánh nếp đã được làm cầu kỳ hơn, với lớp nhân đậu xanh mỡ lợn bùi ngậy hay bánh nếp nhân tôm thịt đậm đà hương vị. Bánh nếp có giá từ 15.000 – 18.000 đồng/chiếc.
Với nguyên liệu tương tự như bánh nếp, những người thích bánh mặn có thêm lựa chọn với bánh ngỗng (bánh trứng ngỗng). Bánh có tên gọi như vậy bởi hình dáng thuôn dài, được nặn với kích cỡ, trọng lượng tựa như một quả trứng ngỗng. Mỗi chiếc bánh có giá 5.000 đồng.
Ngoài ra, còn phải kể đến các món bánh vùng miền như bánh lá ngải, bánh sắn… cũng được bán tại nhiều nơi, đặc biệt trên chợ online để người tiêu dùng dâng cúng và thưởng thức trong ngày Tết Hàn thực.
Theo phunuvietnam.vn