Tết Đoan Ngọ 2020 ủ rượu nếp thơm ngọt mọng nước kiểu miền Bắc
Năm nay Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 Âm lịch) rơi vào thứ 5 ngày 25/6/2020, cùng trổ tài tự ủ rượu nếp kiểu miền Bắc đúng vị thơm ngọt truyền thống cho cả nhà cùng thưởng thức nhé.
Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương (mùng 5 tháng 5 âm lịch) là một ngày tết truyền thống tại một số nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.
"Đoan" nghĩa là mở đầu, "ngọ" là khoảng thời gian buổi trưa từ 11 giờ -13 giờ.
Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan ngọ là Tết diệt sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng. Đây cũng là thời điểm kết thúc vụ lúa chiêm, bước vào đầu vụ mùa.
Vào ngày tết này, người miền Bắc thường ăn các món truyền thống như rượu nếp, hoa quả chua, bánh gio... vào buổi sáng sớm với mong ước đẩy lùi mầm bệnh trong cơ thể.
Rượu nếp là món ăn truyền thống ngày Tết Đoan ngọ ở miền Bắc. |
Nguyên liệu:
+ Gạo nếp xay: 1kg
+ Men rượu nếp: 20g
+ 1 cái rổ thưa có 2 lớp.
+ 1 cái chăn mỏng.
+ Màng bọc thực phẩm.
Cách ủ rượu nếp ngọt thơm đúng kiểu miền Bắc
- Gạo nếp xay nhặt bỏ hạt thóc và vỏ trấu rồi ngâm nước ít nhất 8 tiếng cho gạo ngấm đủ nước. Các bạn có thể ngâm từ tối hôm trước tới sáng ngày hôm sau là vừa đủ để gạo nở đều.
- Vớt gạo nếp xay đã ngâm lên, vo lại cho thật sạch và để ráo nước. Chuẩn bị nồi hấp cách thủy, cho gạo vào đồ chín lần 1. Đánh đều gạo trong nồi lên, đậy vung để nghỉ trong khoảng 30 phút.
- Tiếp tục cho gạo nếp xay vào đồ chín lần 2 trong khoảng 20 phút để xôi nếp ngậm đủ nước, căng mọng.
- Xôi gạo nếp xay chín, các bạn dỡ ra mâm hoặc khay rộng để cho nguội bớt.
- Cho men rượu vào cối giã nhuyễn, cho qua lưới lọc để tránh bị lẫn vỏ trấu khi dùng.
- Rổ sạch để thật khô ráo. Các bạn dùng màng bọc thực phẩm lót kín vào trong lòng rổ để chuẩn bị ủ rượu nếp, chừa lại ít màng bọc rộng ra ngoài rổ để phủ lên bề mặt khi ủ.
- Khi xôi nếp chỉ còn hơi âm ấm, các bạn trộn đều từng chút men rượu vào với xôi. Bớt lại 1/2 lượng men rượu.
- Cho xôi nếp xay đã trộn men rượu vào rổ đã lót màng bọc thực phẩm. Cứ 1 lớp xôi thì lại rắc đều 1 lớp bột men rượu lên trên, xôi phía dưới đáy rổ thì nên cho ít men hơn phía trên khi ủ rượu nếp, men sẽ ngấm tan dần và chảy xuống phía dưới đáy rổ.
Trên cùng các bạn rải đều 1 lớp men mỏng và cuối cùng bọc màng bọc thực phẩm kín hết mặt xôi.
- Trải chăn vải ra, đặt rổ rượu nếp lên trên, bọc kín lại. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay thì chỉ sau 1 ngày là rổ rượu nếp đã bắt lên men, tỏa mùi thơm ngào ngạt.
- Khi thấy có mùi thơm từ rượu nếp, các bạn dỡ chăn ủ ra ngay để các hạt rượu nếp còn giữ được độ căng mọng và ngọt đậm. Nếu dỡ ra quá sớm khi chưa có mùi thơm, men rượu chưa biến đổi tinh bột trong gạo nếp thành đường, sẽ làm món rượu nếp có vị đắng của men, còn nếu để ủ quá lâu men rượu sẽ làm cho đường trong hạt nếp xay tan hết thành nước, khi ăn chỉ còn lớp vỏ bên ngoài lên ăn bị bã và rất cay nồng mùi rượu.
- Sau khi rượu nếp ủ vừa chín, các bạn đảo đều cả rổ rượu nếp lên rồi cho ra bát là có thể dùng được.
Vị rượu nếp thơm nức ngọt ngào rất hấp dẫn, đặc biệt khi ăn thấy rõ vị dẻo của gạo nếp xay như dai hơn, ăn ngọt nhưng vị ngọt lại rất thanh.
Rượu nếp chín tới nên cũng không gây say, đảm bảo cả gia đình từ người lớn đến trẻ em đều rất thích nhé.
Bạn có thể để rượu nếp vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần trong 2-3 hôm để hãm rượu nếp không tiếp tục lên men.
Tết Đoan Ngọ ủ rượu nếp thơm ngọt mọng nước đúng vị. |
Chúc các bạn thành công với món rượu nếp chuẩn vị truyền thống miền Bắc ngon tuyệt này nhé!
Bạch Linh