Test nhanh Covid- 19, vì sao mỗi nơi một giá?
Giá test nhanh Covid-19 mỗi nơi một mức, có nơi thu cao gấp đôi chỗ khác, vậy lý do là gì?
Ảnh minh hoạ |
Mỗi bệnh viện áp dụng một kiểu, một giá
Tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, thực hiện test miễn phí cho bệnh nhân đến khám. Giai đoạn này, bệnh viện không khuyến khích người nhà đi kèm. Nếu người bệnh không thể tự đi, phải có người nhà kèm thì người đi cùng sẽ phải test trả phí 100.000 đồng nếu chưa có chứng nhận tiêm vắc xin (1, 2 mũi).
Tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp cơ sở 2 hiện nay không còn bắt buộc tất cả những người đến khám phải thực hiện test nhanh như trước.
Theo đó bệnh nhân đến khám ngoại trú sẽ được tiến hành sàng lọc trong đó có mục “xét nghiệm Covid-19”. Ai đến khám cũng được động viên nên xét nghiệm Covid-19.
Nếu người bệnh đồng ý làm xét nghiệm Covid-19 thì khi khám sẽ được đi tất cả các bàn khám (từ xét nghiệm, chụp chiếu…) như khi chưa có Covid- 19 với điều kiện đảm bảo 5K.
Còn với những trường hợp không đồng ý làm xét nghiệm thì bệnh viện sẽ bố trí bác sĩ khám tại chỗ, lấy máu tại chỗ. Sau khi có kết quả nhân viên y tế sẽ chịu trách nhiệm đi lấy thuốc đưa cho bệnh nhân.
Với những bệnh nhân này nếu có chỉ định chụp chiếu, khám chuyên sâu hơn thì cũng không thể thực hiện mà thường buộc phải làm xét nghiệm mới được di chuyển vào bên trong khuôn viên bệnh viện. Chi phí cho một lần xét nghiệm như vậy có giá 150.000 đồng.
Đối với bệnh nhân nội trú có người nhà đi kèm, bệnh viện cũng quy định bắt buộc phải làm xét nghiệm ở ngày đầu tiên và ngày ra viện với giá dịch vụ là 150.000 đồng/lần.
Thậm chí, một người dân làm xét nghiệm nhanh tại bệnh viện đa khoa Hoàng An chia sẻ hai phiếu thu tiền test nhanh cách nhau 3 ngày với giá thu là 180.000 đồng và 210.000 đồng với thắc mắc tại sao cùng nơi mà mỗi ngày một giá?
Giá test có bị đẩy cao?
Liên quan đến giá test Covid-19 trước đó, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh cho biết giá bộ test xét nghiệm nhanh Covid-19 mua số lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 35.000 đồng/test. Nếu tính chi phí về đến Việt Nam (kể cả tiền kho bãi và các chi phí khác) mỗi test giá cũng chỉ khoảng 50.000 đồng.
Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tình trạng loạn giá xét nghiệm đang xảy ra hiện nay.
Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết trước hết cần phân biệt giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm. Giá dịch vụ xét nghiệm hiện Bộ Y tế có quy định rõ về giá, còn giá xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định.
Theo đó, hiện nay, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có các xét nghiệm nhanh Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá mà giá thông qua đấu thầu mua sắm tại cơ sở y tế. Giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường.
Để giúp các đơn vị mua sắm được đúng chủng loại, đúng giá trị, tránh hiện tượng thổi giá, đội giá, từ năm 2020, Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai giá các trang thiết bị y tế lên cổng công khai y tế. Giá niêm yết này là giá công ty mong muốn bán ở thị trường Việt Nam, đơn vị tự chịu trách nhiệm về điều này. Khi mua sắm các địa phương có thể tham khảo giá trúng thầu được công khai trên cổng.
Theo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, có gần 90 loại test nhanh đang được lưu hành tại nước ta, bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu (từ nhiều nước khác nhau). Hiện giá các xét nghiệm nhanh này dao động 80.000-130.000 đồng, đã giảm so với thời điểm cuối tháng 8 do một số doanh nghiệp điều chỉnh giá.
Ngày 23/9, Bộ Y tế cũng đã có công văn về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 nhằm phòng tránh việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đồng thời, các địa phương cũng cần thanh kiểm tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm.
N. Huyền