Té ngã sưng ở gáy, cháu bé 8 tuổi tử vong do gia đình chủ quan
Té ngã gây tổn thương vùng đầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ở trẻ nhỏ hay gặp nhất. Té ngã có thể gây chấn thương sọ não, nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
Mới đây, một bé trai 8 tuổi tại miền Tây bị té ngã đập đầu. Sau đó gia đình đã đưa bé đi khám nhưng không được phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, không được chẩn đoán chấn thương sọ não có xuất huyết não.
Vì vậy, bé đã không được xử trí sớm. Khi trẻ rơi vào hôn mê gia đình mới đưa tới bệnh viện cấp cứu thì đã không qua khỏi do tình trạng tổn thương quá nặng nề, chẩn đoán muộn dù bác sĩ cố gắng cũng đành bó tay.
Theo các bác sĩ tại BV Đa khoa Quốc tế Cần Thơ, trường hợp của cháu bé này khi té ngã, sau gáy bị sưng to. Tại địa phương cháu được đi khám bác sĩ tư, nhưng bác sĩ không phát hiện ra có tổn thương não bên trong, chỉ cho uống thuốc giảm sưng đau thông thường.
Sáng hôm sau, cha mẹ phát hiện bé bị hôn mê, đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng đã muộn, cháu bé đã ngưng tim.
Tại BV Đa khoa Thái Bình các bác sĩ cũng tiếp nhận 1 nam thanh niên vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Theo người nhà của bệnh nhân thì trước đó bệnh nhân đi vệ sinh và bị ngã. Vì thấy bệnh nhân không có chảy máu nên chủ quan.
Bệnh nhân được dìu vào giường ngủ. Buổi sáng bệnh nhân than đau đầu và có nôn nhưng không đi viện vẫn ở nhà theo dõi.
Đến chiều bệnh nhân nôn ói, sùi bọt mép và rơi vào hôn mê. Khi đưa vào bệnh viện thì tổn thương rất nặng, chảy máu não kèm theo phù não và không thể cứu được. Sau đó gia đình bệnh nhân xin về nhà để lo hậu sự.
Ảnh minh hoạ. |
Theo TS BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Thần kinh và Can thiệp mạch máu não TPHCM cho biết chấn thương sọ não liên quan đến vấn đề va chạm, té ngã, bạo hành trong gia đình.
Trẻ em bị đánh vào đầu có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết não vì hộp sọ các cháu rất mềm. Chẩn đoán sớm có thể cứu được các cháu. Nếu ta không chẩn đoán, não các cháu dễ bị tổn thương dẫn đến tử vong.
Nhiều trẻ, thậm chí người lớn sau khi bị ngã nhưng gia đình không để ý, nghĩ chỉ là sang chấn nhẹ không theo dõi, kiểm tra thì bệnh nhân có thể diễn tiến đến ngủ gà hoặc lơ mơ, nôn ói, đó là dấu hiệu cho thấy tổn thương thần kinh.
Có trường hợp thì máu tụ xuất hiện trong não, não bị phù, nếu không chẩn đoán, cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ bị hôn mê và tử vong rất nhanh.
Vì vậy bác sĩ Cường khuyến cáo khi bị té ngã nếu vết thương, vết bầm trên da đầu thường liên quan đến chấn thương bên trong.
Đặc biệt, trẻ ở tuổi tập đi rất hay bị ngã và trẻ bị ngã ở tư thế đang đi hay chạy trên mặt đất thường không gây chấn thương đầu nghiêm trọng. Kích thước của vết sưng trên đầu không liên quan với mức độ nặng của chấn thương.
Sau khi va đập (nguy hiểm nhất là va đập vào sau gáy – vùng chẩm), nếu bệnh nhân bị đau đầu, ói và lơ mơ, đó là triệu chứng điển hình của chấn thương sọ não. Bệnh nhân có thể dẫn đến hôn mê và yếu liệt.
Với trẻ nhỏ, nếu trẻ biết nói sẽ than mình bị đau đầu, trẻ chưa biết nói sẽ quấy khóc và nôn ói, ngủ gà. Nếu gặp phải các triệu chứng đó, phụ huynh cần đưa các cháu đi khám bác sĩ ngay.
Thời gian cấp cứu chấn thương sọ não dài hơn đột quỵ nhưng vẫn phải nhanh nhất, càng nhanh thì di chứng để lại càng ít hơn.
TS Cường cho biết thời gian vàng để cấp cứu chấn thương sọ não được tính từ khi chấn thương sọ não, thời gian điều trị tốt nhất nằm trong 6 đến 12 giờ đầu.
Khi trẻ bị ngã, phụ huynh cần bình tĩnh và đánh giá tổn thương của trẻ để xử lý tốt khi trẻ bị chấn thương sọ não, không tự ý nâng đầu hoặc đỡ trẻ sai cách. Điều này cũng khiến trẻ hoảng sợ, nếu trẻ la khóc, không giữ được bình tĩnh thì hãy cố gắng động viên, trấn an trẻ.
Chấn thương sọ não thường đi kèm với các chấn thương khác, nhất là cột sống cổ nên trẻ cần hạn chế tối thiểu các cử động khu vực này.
Việc cha mẹ tự ý nâng đầu, xoa đầu cho trẻ có thể gây chấn thương nặng nề hơn. Việc quan trọng nữa là cần đưa trẻ đến cơ sở y tế với chuyên khoa thần kinh càng sớm càng tốt.
Khánh Chi