Tây nam Trung Quốc vỡ đê, ngập lụt diện rộng nghiêm trọng
Nhiều tỉnh và khu vực ở phía tây nam Trung Quốc đang ngập chìm trong nước do vỡ đê và mưa lớn, gây thiệt hại nặng nề, hàng nghìn người phải sơ tán.
Miền Nam Trung Quốc bị tàn phá nặng nề bởi mưa lũ
Các cơn mưa lớn vừa qua ở miền nam Trung Quốc đã gây lũ lụt, sạt lở, chính quyền địa phương đã liên tục tăng mức cảnh báo lũ trên nhiều con sông.
Do ảnh hưởng của mưa lớn nhiều ngày và đập Tam Hiệp xả lũ từ ngày 29/6 kéo theo hàng loạt con đập phải xả theo, nhiều tỉnh và khu vực ở phía tây nam Trung Quốc đang hứng chịu những đợt lũ lụt nghiêm trọng, trong đó, mực nước nhiều con sông đã vượt mức báo động khẩn cấp, thậm chí một đoạn đê sông Dương Tử qua tỉnh Giang Tây đã bị vỡ gây ngập lụt cục bộ.
Lúc 8h35 tối 8/7 giờ địa phương, một đoạn đê dài khoảng 50 mét của sông Dương Tử đoạn qua huyện Phiên Dương, tỉnh Giang Tây đã bị vỡ khiến 9.000 dân phải sơ tán, hơn 1.000 ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
Ngày 9/7, Ủy ban tài nguyên nước sông Dương Tử nâng cảnh báo lũ lụt lên cấp độ 2 (màu cam) ở khu vực trung lưu và hạ lưu của con sông dài nhất Trung Quốc sau khi một đoạn đê ở Giang Tây bị vỡ. Theo đó, Cơ quan phòng chống lụt bão và hạn hán tỉnh Hồ Bắc đã nâng phản ứng khẩn cấp đối với lũ lụt từ cấp 3 đến cấp 2 bắt đầu từ 3 giờ chiều ngày 9/7.
Tính đến ngày 9/7, tỉnh Hồ Bắc xác nhận 14 người chết và 5 người mất tích, sau khi những cơn mưa xối xả liên tục trút xuống 44 quận huyện trong tỉnh, ảnh hưởng đến hơn 9 triệu người. Hồ Bắc đã huy động 303.200 người đi tuần tra dọc theo bờ kè sông để cảnh báo nguy cơ lũ lụt. Cục quản lý khẩn cấp tỉnh sơ tán hơn 17.000 người đến nơi an toàn, và điều động 85 chuyến bay tuần tra trên không theo dõi thảm họa lũ lụt và địa chất.
Còn tại tỉnh An Huy, ngày 9/7, do ảnh hưởng bởi đập Tam Hiệp xả lũ và những cơn mưa cường độ “siêu lớn” trong nhiều ngày, mực nước sông Dương Tử đoạn qua khu vực An Huy đã dâng cao 3 mét, lũ tại các sông nhánh không thể đổ vào sông Dương Tử như thông thường làm cho 22 con sông ở An Huy đã vượt quá mức cảnh báo. Toàn bộ huyện Đông Chí của tỉnh An Huy đã bị ngập hoàn toàn, ở một số nơi, độ sâu của nước là hơn 2 mét.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và hạn hán của tỉnh An Huy, từ ngày 8/7, một trận lụt lớn đã xảy ra ở sông Nghiêu Độ và sông Long Tuyền ở huyện Đông Chí. Lúc 20h10 ngày 8/7 giờ địa phương, mực nước cao nhất ở sông Nghiêu Độ lên đến 21,96 m, cao hơn mực nước cảnh báo 2,96 m, cao hơn mực nước được bảo đảm 0,56 mét và cao hơn 0,53 m so với mực nước cao nhất lịch sử trên con sông này.
Lũ lụt làm sập một cây cầu ở huyện Đông Chí. Nguồn: Xinhua. |
Đối với sông Long Tuyền, lúc 14h00 ngày 8/7 giờ địa phương, mực nước cao nhất đạt 30,58 m, vượt 3,08 m so với mức báo động, đây cũng là ức nước cao nhất trong lịch sử con sông này. Hiện, lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra ở các thị trấn hai bên bờ sông Long Tuyền và Nghiêu Độ. Chính quyền tỉnh An Huy dự kiến mực nước tại các trạm kiểm soát của các con sông sẽ tiếp tục tăng từ 0,5 - 1,2 m trong 5 ngày tới.
Theo dự báo thời tiết của Trung Quốc, từ ngày 11-14/7, sẽ có một đợt mưa với cường độ lớn ở toàn bộ khu vực phía tây nam, Giang Hoài, Hoàng Hoài và Hồ Bắc, lượng mưa từ 50-80 mm. Đặc biệt, ở khu vực phía đông nam Trùng Khánh, Hồ Bắc, An Huy, Giang Tô và Hà Nam lượng mưa sẽ đạt 100-160 mm, lượng mưa cục bộ sẽ ở khoảng 200-300 mm.
Trong cuộc họp điều hành của Hội đồng Nhà nước hôm 9/7, giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức trong công tác kiểm soát lũ lụt và cứu trợ thảm họa trong khi thúc đẩy xây dựng các dự án hồ chứa nước lớn.
Cuộc họp do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, nhấn mạnh rằng cuộc sống của người dân là ưu tiên hàng đầu, và quyết định tăng cường hỗ trợ vật chất và tài trợ để giúp chính quyền địa phương di dời cư dân gặp thảm họa. Cuộc họp cũng quyết định sửa chữa các dự án bị hư hại, và khôi phục sản xuất ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt.
Cuộc họp kêu gọi sẵn sàng các vật liệu phòng chống lũ lụt, tăng cường tuần tra các hồ chứa và đê điều, cũng như triển khai các kế hoạch sơ tán người dân. Cuộc họp cũng nghiên cứu 150 dự án bảo tồn nước lớn, kêu gọi thúc đẩy xây dựng và tăng cường khả năng ngăn chặn lũ lụt, hạn hán và các thảm họa khác.
Đức Trí (lược dịch)