Trung Quốc chính thức cảnh báo lũ và siêu lũ trên 3 con sông lớn nhất
Ba con sông lớn nhất Trung Quốc và hàng trăm con sông khác, bao gồm cả đập Tam Hiệp đang đối mặt với nguy cơ lũ và siêu lũ nghiêm trọng.
Tân Hoa Xã hôm 2/7 dẫn thông báo mới nhất của Ủy ban Thủy lợi sông Trường Giang cho biết, tính đến 14h00 ngày 2/7 giờ địa phương, lưu lượng nước đổ về hồ chứa nước Tam Hiệp tăng lên mức 50.000 m3/giây. Cùng với đó, đến ngày 6/7, mức nước ở trạm Liên Hoa Đường trên sông Trường Giang sẽ tăng lên mức cảnh báo 32,5 m, có thể đạt đến điều kiện hình thành lũ. Như vậy cơn lũ đầu tiên trong năm 2020 ở sông Trường Giang sẽ có khả năng hình thành trong tương lai gần, thậm chí báo động siêu lũ cũng có thể được đưa ra.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, lượng nước chảy vào dòng chính của thượng nguồn sông Trường Giang (sông Dương Tử), sông Ngô Giang và Tam Hiệp đã tăng lên đáng kể, mực nước tại các trạm dọc theo giữa sông Dương Tử tiếp tục dâng cao. Vào lúc 7h00 ngày 2/7, mực nước của trạm Vũ Lăng sông Ngô Giang là 191,7 m, tốc độ dòng chảy là 11.900 m3/giây, lưu lượng nước đổ vào hồ chứa Tam Điệp có tốc độ là 47.000 m3/giây và mực nước tại trạm Liên Hoa Đường là 31,68 m.
Đập Tam Hiệp xả lũ hôm 29/6. Nguồn: Xinhua. |
Theo quy định đánh số lũ sông lớn của Trung Quốc, khi lưu lượng nước đổ về các trạm thủy văn thượng nguồn sông Dương Tử hoặc hồ chứa Tam Hiệp đạt tới 50.000 m3/giây, và mức nước ở trạm Liên Hoa Đường hoặc trạm Hán Khẩu tăng đến mức cảnh báo, chính quyền sẽ công bố và bắt đầu đánh số cho lũ trên sông Trường Giang.
Cục Thủy văn thuộc Ủy ban Thủy lợi sông Trường Giang đã chính thức đưa ra cảnh báo lũ lụt màu xanh cho sông Ngô Giang, khu vực hồ chứa Tam Hiệp ở thượng nguồn sông Trường Giang lúc 7h00 ngày 2/7 giờ địa phương. Không chỉ cảnh báo lũ trên sông Trường Giang, 2 con sông lớn khác của Trung Quốc là sông Hoàng Hà và sông Hoài cùng nhiều con sông khác cũng đã đạt đến mức cảnh báo lũ.
Theo báo cáo của Bộ Thủy lợi Trung Quốc, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, mực nước trên nhiều con sông ở Trung Quốc đã vượt mức cảnh báo, tính đến 12h00 ngày 1/7, đã có 304 con sông ở Trung Quốc vượt mức cảnh báo lũ. Trong đó có các con sông như sông Hoài (bắt đầu từ Hà Nam), hồ Thái Hồ (giữa Giang Tô và Chiết Giang) và sông Kỳ Giang (Trùng Khánh), những khu vực này vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt mưa lớn vừa qua ở Trung Quốc.
Ngoài ra, tình hình mưa lớn tại Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu tạm dừng, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc hôm 1/7 cũng đã ban bố cảnh báo mới nhấn mạnh, đợt mưa mới có thể nhấn chìm các tỉnh Quý Châu, Tứ Xuyên, Vân Nam, Phúc Kiến, Chiết Giang, thành phố Trùng Khánh và khu tự trị Quảng Tây. Tại các khu vực bị ảnh hưởng, lượng mưa có thể lên tới 10-15 cm.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp trong năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi nỗ lực tổng lực để ngăn chặn lũ lụt và thảm họa địa chất, tăng cường công tác cứu hộ và cứu trợ, đảm bảo tính mạng và sự an toàn của người dân là ưu tiên hàng đầu.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp phòng chống dịch bệnh với công tác phòng chống lụt bão và cứu trợ thiên tai, kết hợp các nỗ lực chuẩn bị phòng ngừa với ứng phó khẩn cấp, tăng cường giám sát lũ lụt và xác định kịp thời rủi ro.
Nhìn lại thảm họa vỡ đập khủng khiếp nhất trong lịch sử Trung Quốc
Thảm họa vỡ đập ở Hà Nam năm 1975 là thảm họa nhân tạo khủng khiếp nhất trong lịch sử Trung Quốc, cũng là bài học để Bắc Kinh xây dựng đập Tam Hiệp.
Đức Trí (lược dịch)