Tây Ban Nha: Xứ Catalonia quyết đòi độc lập
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến trình và sẽ chịu trách nhiệm với mọi hậu quả xảy ra”, phát ngôn viên của chính quyền xứ Catalania, ông Francesc Homs cho biết.
Theo lời ông, 40.000 tình nguyện viên đã được tuyển dụng để tổ chức cuộc bỏ phiếu. Có hai câu hỏi được đặt ra đối với người Catalania: Liệu Catalania có phải là một chính quyền? Và nếu vậy, đây có phải là một chính quyền độc lập?
Ông phát biểu ngắn gọn sau khi Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố đồng ý xem xét kiến nghị của Chính quyền Trung ương về việc ngăn cấm Catalonia bỏ phiếu. Đây là lần thứ hai trong vòng vài tháng trở lại đây tòa án đình chỉ kế hoạch bỏ phiếu của Catalania.
3 tuần trước, sau nhiều nỗ lực tổ chức cuộc bỏ phiếu tự do trong khuôn khổ luật pháp, người đứng đầu xứ Catalan, Artur Mas đã tuyên bố tổ chức bỏ phiếu theo cách khác để tránh những hạn chế của luật pháp. Cuộc bỏ phiếu mang tính tượng trưng cho các tình nguyện viên sẽ được tiến hành tại chỗ mà không có danh sách cử tri chính thức.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã nhiều lần nói rằng một cuộc bỏ phiếu bị coi là bất hợp pháp nếu như Hiến pháp không cho phép bất kỳ khu vực nào đơn phương đưa ra quyết định và làm ảnh hưởng đến toàn thể người dân.
Ông Homs nói rằng chính quyền Catalania sẽ yêu cầu Chính quyền Trung ương đưa ra lập trường tại tòa án tối cao, “về vi phạm quyền tham gia và quyền tự do ngôn luận”. Cuộc bỏ phiếu cho thấy hầu hết người dân trong tổng số 7,5 triệu người Catalania muốn có tiếng nói độc lập và gần một nửa bỏ phiếu để thoát khỏi Tây Ban Nha.
Những người tham gia chiến dịch đã nhận được ủng hộ từ phía người được giải Nobel từ Nam Phi là Desmond Tutu và nhà hoạt động nhân quyền Argentina Adolfo Pérez Esquivel cho bản tuyên ngôn yêu cầu chính phủ Tây Ban Nha cho phép người Catalania được đi bỏ phiếu.
Emilio Sáenz-Francés - giáo sư sử học và quan hệ quốc tế của Đại học Giáo hoàng Comillas ở Madrid nói rằng trong khi Chính quyền Trung ương có thể sẽ dập tắt thành công cuộc bỏ phiếu sắp tới, thì họ lại gần như không làm được gì để giải quyết các cuộc vận động đòi độc lập của người dân.
Ông nói: “Những vấn đề thực sự sẽ bắt đầu nảy sinh từ ngày 10/11. Rất nhiều người dân cảm thấy họ bị tước quyền bầu cử. Bạn sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Bạn sẽ làm cách nào để duy trì dự án chung - đất nước Tây Ban Nha? Đó mới là thách thức lớn nhất”.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.