Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU
Cuối tháng 10/2022, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã sang Việt Nam thanh tra tình hình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) lần thứ 3. EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm chính trị, nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU; đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt ở cấp Trung ương. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế tại địa phương chậm khắc phục nên phía EC chưa gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.
Qua kiểm tra thực tế, EC đánh giá, tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019. Khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích cực. Công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Việt Nam đã triển khai hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đảm bảo thống nhất trên toàn quốc và thực hiện việc kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định PSMA về tổng thể đã có sự cải thiện tốt hơn so với trước. Tỉnh Khánh Hòa (địa phương Đoàn thanh tra trực tiếp) cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và EC khẳng định sẽ không gỡ cảnh báo “thẻ vàng” nếu không chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, Đoàn Thanh tra của EC cũng nhận thấy, công tác quản lý truy xuất nguồn gốc nguyên liệu tại 2 doanh nghiệp được kiểm tra chưa đảm bảo độ tin cậy, dẫn đến hồ sơ các lô hàng xuất khẩu tại 2 doanh nghiệp nghi vấn chưa minh bạch và chưa đảm bảo tính hợp pháp.
Việt Nam cũng chưa có cơ chế kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu container; chưa đưa ra được biện pháp kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu để xuất khẩu sang thị trường khác ngoài châu Âu.
Kết thúc lần thanh tra thứ 3, EC tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị cho Việt Nam thực hiện để có thể xem xét “gỡ thẻ vàng”. Dự kiến, tháng 4/2023, Đoàn thanh tra của EC sẽ tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra.
Về khung pháp lý, EC khuyến nghị, sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ một số nội dung cụ thể: Quy định đối với tàu nhập khẩu đảm bảo nguồn gốc không vi phạm IUU, chuyển đổi nghề khai thác trong hạn ngạch được giao theo hướng chỉ cho phép các nghề thân thiện với nguồn lợi, hệ sinh thái. Tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng để đảm bảo tính răn đe.
Bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật tại địa phương nếu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định, đặc biệt đối với các trường hợp vi phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương yêu cầu xử lý. Bổ sung quy định quản lý và chế tài xử lý các cảng cá được chỉ định xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác không đảm bảo đúng quy định.
Về quản lý đội tàu, theo EC, năng lực khai thác đội tàu của Việt Nam hiện nay vẫn còn lớn so với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, vì vậy, cần có giải pháp để giảm cường lực khai thác theo hướng giảm số lượng tàu cá, thời gian khai thác và sản lượng được phép khai thác… để phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Về công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, EC khuyến nghị xây dựng quy trình để kiểm soát nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu container; các doanh nghiệp phải có quy trình kiểm soát nguyên liệu thô nhập vào để đảm bảo doanh nghiệp không trộn lẫn nguyên liệu từ khai thác IUU khi xuất khẩu sang thị trường EU. Đối với mẫu Chứng nhận khai thác đảm bảo phải có chữ ký xác nhận của chủ tàu/thuyền trưởng/người đứng tên trên giấy phép khai thác; đây là quy định bắt buộc của châu Âu. Xây dựng hệ thống tại Trung ương để theo dõi, giám sát công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại địa phương trên nền tảng điện tử.
Về thực thi pháp luật, EC khuyến nghị, cần đảm bảo chế tài xử lý phải đủ nhanh, đủ sức răn đe và hiệu quả; đặc biệt, mức phạt phải cao hơn nhiều lần so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm. Cân nhắc xem xét quy định truy tố một số hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần. Quy định việc tàu cá ra ngoài ranh giới vùng biển Việt Nam mà không được phép là hành vi vi phạm nghiêm trọng và phải có chế tài xử lý (không cần phải mất thời gian điều tra xem tàu có hoạt động khai thác ở vùng biển nước ngoài hay không).
NH