Tập đoàn "khủng" cũng lo thoái vốn "bán chẳng ai mua"
Những khó khăn này được các tập đoàn, tổng công ty nêu lên tại hội nghị về tái cơ cấu và thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ về phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ.
Thống kê của Vụ Tổ chức (Bộ Công thương), hiện 100% tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ đã hoàn thành đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015. Sau khi rà soát lại các nhiệm vụ kinh doanh, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty tập trung kinh doanh những ngành chính và những ngành liên quan phục vụ ngành nghề chính. Tuy nhiên thực tế quá trình thoái vốn, cơ cấu lại tại các DNNN gặp không ít khó khăn.
Quá trình thoái vốn tại các DNNN chậm chạp do lo sợ bán dưới giá vốn Ảnh: Internet |
Chia sẻ với các lãnh đạo DNNN, ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận, các văn bản hướng dẫn hiện hành còn chưa phù hợp với quy định “việc thoái vốn đầu tư của các công ty nhà nước không được thấp hơn giá trị sổ sách”, hoặc “đối với những công ty cổ phần chưa niêm yết, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị tính theo mệnh giá trên 10 tỷ đồng phải thực hiện đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán”… nên gây tâm lý lo ngại, chần chừ, sợ thất thoát vốn Nhà nước, sợ trách nhiệm đã ảnh hưởng không ít đến quá trình giảm vốn, thoái vốn của các doanh nghiệp.
Về phía Chính phủ, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN (Văn phòng Chính phủ) cho biêt, thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá hoạt động sắp xếp DNNN, đồng thời rà soát, sửa đổi hoàn thiện cơ chế chính sách bất cập liên quan tới tái cơ cấu DNNN.
Phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng tiết lộ sắp tới có thể hướng sẽ là các DNNN chuyển phần phải thoái dưới giá trị sổ sách về Tổng công ky Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để tổng công ty này thực hiện…