Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lên phương án bán vốn Nhà nước
TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận phát biểu tại hội nghị bất thường thông qua phương án cổ phần hóa. |
Mức giá khởi điểm là 13.000 đồng/cổ phần. VRG dự kiến sẽ thu về 12,8 nghìn tỷ đồng sau đợt chào bán cổ phiếu này. Sau khi IPO, Nhà nước sẽ giữ lại 75% cổ phần tại VRG.
VRG công bố phương án cổ phần hóa cụ thể như sau:
Bán 11,88% cổ phần, tương đương 475.090.056 cổ phiếu thông qua đấu giá công khai trong 45 ngày sau khi nhận được phê duyệt của Chính phủ đối với phương án cổ phần hóa. Giá đấu khởi điểm là 13.000 đồng/cổ phần;
Bán 11,88%, tương đương 475.090.056 cổ phiếu cho các NĐT chiến lược trong 60 ngày sau khi nhận được phê duyệt của Chính phủ. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm;
Bán 0,76%, tương đương 30.452.800 cổ phiếu cho người lao động và NĐT bên ngoài với giá bằng 60% so với giá đấu thành công thấp nhất tại phiên đấu giá IPO. Đợt phát hành này sẽ được thực hiện trong 60 ngày nhận được chấp thuận của Chính phủ;
Bán 0,45%, tương đương 17.935.500 cổ phiếu cho người lao động được lựa chọn với giá bán là giá đấu thành công thấp nhất trong 60 ngày sau khi nhận được phê duyệt của Chính phủ;
Bán 0,03%, tương đương 1.087.179 cổ phiếu cho Công đoàn với giá bán bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất tại phiên đấu giá IPO. Đợt phát hành được thực hiện trong 60 ngày sau khi nhận được phê duyệt từ Chính phủ.
VRG được định giá 49,2 nghìn tỷ đồng, với 491.929 ha đất thuộc quản lý của Tập đoàn. Trong năm 2016, VRG đạt doanh thu 20,7 nghìn tỷ đồng và 2,7 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong 6 tháng đầu năm 2017, VRG đạt tổng doanh thu là 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1,53 nghìn tỷ đồng, tăng 169% so với cùng kỳ, hoàn thành 33% kế hoạch doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Đến năm 2020, Tập đoàn đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 40,7 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8,95 nghìn tỷ đồng.