Tạo chuỗi liên kết trong xây dựng NTM tránh “được mùa mất giá”
Chuỗi liên kết trong xây dựng nông thôn mới giúp giảm tình trạng được mùa mất giá |
Việc xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, được tổng kết qua 10 năm tổ chức thực hiện với những kết quả rất đáng phấn khởi cho nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, trong đời sống của nông dân chưa được cải thiện nhiều, hầu hết các chi phí sản xuất nông nghiệp từ vật tư, điện, nước đều tăng theo các năm, duy nhất chỉ có giá các mặt hàng nông sản là không tăng hoặc tăng ít. Mặt khác rủi ro rất lớn, khoảng 70% dân số sống bằng nghề nông nhưng thu nhập chưa bằng 30 dân số còn lại.
Đây là điều mà đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Tiền Giang) “rất trăn trở”. Đại biểu băn khoăn “không biết Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có nhìn ra vấn đề và có giải pháp như thế nào?”.
Chung quan điểm này, đại biểu dân cử Hải Phòng Bùi Thanh Tùng (Đoàn TP Hải Phòng) cũng bày tỏ, bên cạnh những kết quả rất tự hào của 10 năm xây dựng chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì những khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay với chương trình này là gì?
“Bộ có giải pháp nào để tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ vấn đề này, đặc biệt là đối với những xã vùng sâu, vùng xa và những xã đã về đích nông thôn mới để duy trì kết quả đạt được?”, đại biểu Bùi Thanh Tùng nói.
Vấn đề thứ hai được đại biểu Bùi Thanh Tùng gửi đến Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là nút thắt hay rào cản cơ bản trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, bảo quản hay tiêu thụ nông sản nằm ở lĩnh vực nào, khâu nào?
“Bộ có định hướng, giải pháp gì để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đầu tư của khoa học công nghệ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn?”, đại biểu Bùi Thanh Tùng nêu.
Tạo chuỗi liên kết tránh tình trạng được mùa mất giá
Trả lời các nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, mục tiêu mà ngành nông nghiệp đặt ra là đẩy nhanh hơn với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là tạo chuỗi liên kết để làm sao người dân có hiệu quả sản xuất cao hơn, tránh tình trạng cứ được mùa mất giá.
Theo Bộ trưởng Xuân Cường, hiện nay chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp đang tập trung triển khai tất cả vùng miền, Kiên Giang hiện nay cũng đang là một địa phương triển khai rất tích cực.
“Hiện khâu chế biến của chúng ta đang rất kém, hầu hết là xuất thô, không phải nói thế là coi nhẹ khâu sản xuất. Nếu chúng ta làm được một nhà máy tốt, quay trở lại hình thành những vùng nguyên liệu thật tốt, tiêu chuẩn còn đương nhiên xuất khẩu nước ngoài mà không đảm bảo chất lượng thì không xuất được. Chúng tôi xin nói rõ thêm, chứ không phải hàm ý là ông Bộ trưởng nói thế là coi thường phát triển ở chuỗi đầu. Chúng ta có làm tốt mấy mà không chế biến, cứ đi bán thô như kiểu thanh long vừa rồi là cũng không thể nào bán được. Không thể nào hiệu quả được”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, việc xây dựng nông thôn mới ở đây cũng không có phương thức gì khác ngoài việc xác định rõ vai trò chủ thể người dân phải được khuyến khích, phải được nâng lên, ý thức người dân tự vươn lên thì đó mới là sức mạnh.
“Như vậy, sức dân rất lớn, làm sao khơi dậy được nội lực của dân, cùng với đó chính sách của nhà nước, cùng với đó là sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị đồng lòng thì tin tưởng chúng ta sẽ nhìn ra rõ như thế, bằng chùm giải pháp tổng thể, kể cả về nguồn lực, kể cả về sự chỉ đạo, chúng tôi tin tưởng thời gian tới sẽ khắc phục và tập trung vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu.