Tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á có thể đạt 5 ngàn tỷ USD
Tờ ASEAN Post dẫn nhận định của Tiến sĩ Diaan-Yi Lin, đối tác cấp cao của công ty tư vấn quản lý trên toàn thế giới của Mỹ McKinsey & Co cho hay, Đông Nam Á hiện là khu vực nắm giữa gần một nửa những nền kinh tế tăng trưởng lớn nhất thế giới trong 50 năm qua. Để giữ chân được các nhà đầu tư, Đông Nam Á cần đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Cảng containerTanjong Pagar tại Singapore. |
Trước đó, bản báo cáo hồi tháng Chín của McKinsey & Co từng nhấn mạnh, trong số 71 nền kinh tế đang phát triển trong 50 năm qua, 18 nước được xếp đứng hàng đầu thì có tới 8 nước nằm trong khu vực Đông Nam Á.
Do đó, giới phân tích dự báo nếu có chính sách đúng hướng, 8 nền kinh tế này có thể tăng gấp đôi GDP lên thành 5 ngàn tỷ USD vào 10 năm tới. Con số này chiếm khoảng 5% nền kinh tế toàn cầu.
Bà Lin đã phân chia các nền kinh tế Đông Nam Á thành 2 tiêu chí. Thứ nhất, các nước “CLMV” gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP là 5% trong 20 năm tính tới năm 2016. Còn Malaysia, Thái Lan, Singapore và Indonesia giữ tốc độ tăng trưởng GDP 3,5% trong năm 50 năm tính từ năm 1965.
Theo bà Lin, có 2 yếu tố giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP trong khu vực kể từ năm 1965. Thứ nhất và cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng là tích lũy vốn gồm tích lũy trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thứ hai là vai trò của các công ty nước lớn có doanh thu trên 500 triệu USD. Khoảng 2/3 số công ty này nằm trong nhóm đầu về chuỗi cung ứng thực phẩm.
Cũng theo bà Lin, sự bùng nổ của các nền kinh tế ở Đông Nam Á đang đối mặt với 3 thách thức chính để duy trì mức tăng trưởng ấn tượng trong lịch sử.
Đầu tiên là việc làm thế nào để các nền kinh tế thích nghi với quá trình biến đổi nhanh chóng của thời đại công nghệ hiện nay cũng như cần tập trung quan tâm vào việc giáo dục lĩnh vực STEM gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học đồng thời đưa ra nhiều chương trình đào tạo thêm kỹ năng cho người lao động.
Điều thứ hai là các nền kinh tế sẽ phải đối mặt với “mô hình lực lượng lao động mới” trong bối cảnh dân số ngày càng già hóa.
Cuối cùng là hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng, do Đông Nam Á vẫn cần mở rộng thêm hệ thống cầu đường, sân bay, mạng lưới điện, nước và cầu cảng để đáp ứng sự bùng nổ kinh tế trong khu vực.