Tăng quyền tự chủ sẽ tinh gọn bộ máy nhân sự trường học
Tiến sĩ Huỳnh Công Minh- nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đ.V.T/ Báo Tây Ninh |
Tham dự hội thảo có nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc, PGS.TS Trần Kiều – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cùng hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý, hiệu trưởng các trường phổ thông.
Nêu quan điểm tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Quốc- Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) cho biết, nếu trường phổ thông được quyền tự chủ sẽ góp phần tinh gọn bộ máy của nhà trường, là một giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu về đổi mới ngành giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực bền vững, chất lượng cao.
Theo ông Quốc, trong một số trường hợp, nếu nhà trường được tự chủ trong công tác cán bộ thì không cần phải có từ hai đến ba hiệu phó, chỉ cần một hiệu trưởng vẫn có thể điều hành tốt. Như vậy, bộ máy được tinh gọn, thu nhập của giáo viên sẽ được cải thiện.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Phương Hoa- Hiệu trưởng Trường mầm non Nam Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện vấn đề tài chính trong trường công lập hiện nay là mức thu học phí đối với học sinh chậm hơn, thấp hơn so với hệ số lương của giáo viên. Vì vậy bà đề nghị nếu quy định tự chủ trong trường công lập thì hành lang pháp lý phải hết sức chặt chẽ để không xảy ra những trục trặc, sai phạm.
Bà Nguyễn Thị Hường- Hiệu trưởng Trường tiểu học Sài Đồng (Hà Nội) đề nghị cho phép nhà trường tự chủ về nhân sự, cụ thể là tuyển chọn giáo viên.
Theo bà, khi đã tự chủ được nhân sự, nhà trường sẽ cân đối được tỉ lệ giáo viên cơ hữu với giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng tự chủ không có nghĩa là xóa bỏ quyền kiểm soát của Nhà nước đối với trường công lập.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, trong xu thế phát triển như hiện nay, cần tăng cường đầu tư mạnh cho giáo dục mà tự chủ giáo dục là một lộ trình rất cần thiết. Đại diện ngành giáo dục Thanh Hóa thừa nhận trong ngành Giáo dục hiện có thể tạm chia làm hai nhóm quản lý trong nhà trường, một nhóm nôn nóng được tự chủ, nhóm còn lại không muốn thúc đẩy quá trình này.
Nhận định về chủ trương này, Tiến sĩ Huỳnh Công Minh- nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh, cho rằng ý nghĩa lớn nhất của tự chủ trong nhà trường là để phát huy dân chủ, hạn chế tính chất tập trung.
Cũng trong buổi hội thảo này, ngoài tự chủ về tài chính và nhân sự, một phần quan trọng khác là “tự chủ về học thuật” cũng được các đại biểu đề cập.
Theo ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Hải Thanh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế, tự chủ học thuật được coi là vấn đề cốt lõi để cải thiện chất lượng đào tạo. Tuy vậy, nội dung dạy học trong nhà trường hiện nay còn nặng nề về lý thuyết, chưa bám sát thực tiễn, thiếu sự liên kết chặt chẽ trong chương trình đào tạo.
Trích dẫn ý kiến trong một công trình nghiên cứu khoa học, tiến sĩ cho rằng, chương trình, nội dung đào tạo hiện nay còn nặng tính chủ quan, chưa thông qua kết quả khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia và doanh nghiệp. Điều này giải thích vì sao chuẩn đầu ra của cơ sở đào tạo không cao, khó đáp ứng yêu cầu công việc.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành (Đại học Vinh) khẳng định, giáo dục nói chung, giáo dục đại học, nghề nghiệp nói riêng có vai trò to lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.
Hiện nay, tuy hệ thống giáo dục đại học đã có những chuyển biến tích cực nhưng quá trình phát triển vẫn chưa tạo ra những thay đổi có tính hệ thống.
Ông cho rằng, các trường đại học phải có một mức độ tự chủ lớn nếu như cơ sở giáo dục có nhiệm vụ điều hành một chương trình giảng dạy sáng tạo và nghiên cứu hữu ích; đồng thời các yêu cầu của xã hội về trách nhiệm báo cáo giải trình chất lượng cần được thực hiện một cách song song.