Tăng cường vệ tinh viễn thám bảo vệ biển đảo
Viễn thám là một khoa học công nghệ giúp thu thập thông tin về các đối tượng trên bề mặt trái đất mà không cần tiếp xúc trực tiếp với chúng. Nguyên lý cơ bản của viễn thám đó là đặc trưng phản xạ hay bức xạ của các đối tượng tự nhiên tương ứng với từng giải phổ khác nhau.
Công nghệ viễn thám được phân loại khá đa dạng. Nếu phân loại theo nguồn tín hiệu, ta có: Viễn thám chủ động và viễn thám bị động. Nếu phân loại theo đặc điểm quỹ đạo, ta có: Vệ tinh địa tĩnh và Vệ tinh quỹ đạo cực. Nếu phân loại theo bước sóng, ta có: Viễn thám trong dải sóng nhìn thấy và hồng ngoại; Viễn thám hồng ngoại; Viễn thám siêu cao tần...
Ở Việt Nam, công nghệ vệ tinh viễn thám đang được triển khai mở rộng. Cụ thể ngoài 4 vệ tinh viễn thông, viễn thám đang hoạt động, chúng ta đang tiến hành chuẩn bị phóng hàng loạt các vệ tinh viễn thám kết hợp các hoạt động kinh tế trong thời gian tới. Cụ thể, Vinasat-1 được Tập đoàn VNPT phóng lên quỹ đạo ngày 19/4/2008, là vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam. Vinasat-2 cũng được VNPT phóng ngày 16/5/2012, là vệ tinh viễn thông thứ hai của Việt Nam.
Riêng 2 vệ tinh có nhiệm vụ đặc thù viễn thám là vệ tinh nano F-1 do FPT liên doanh với nước ngoài phóng ngày 21/7/2012 là vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên do Việt Nam tự chế tạo và phóng thành công lên quỹ đạo. Tuy không thu được tín hiệu nhưng đây cũng được coi là thành công.
Kế đến là vệ tinhVNREDSat-1 do Tổng Công ty STI phóng lên quỹ đạo ngày 4/5/2013 - là vệ tinh nhỏ quan sát Tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai. Đây cũng chính là vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam đang cung cấp các hình ảnh sống động cho các dự án tăng cường hoạt động nghiên cứu biển đảo, trong đó có dự án vẽ bản đồ 3D toàn bộ Quần đảo Trường Sa.
Riêng vệ tinh Pico Dragon do Trung tâm vệ tinh quốc gia (VNSC) phóng ngày 4/8/2013 là một vệ tinh nhỏ đầu tiên của Việt Nam tự chế tạo hoạt động thành công ngoài không gian, đánh dấu sự tiến bộ của ngành viễn thông và hoạt động do thám của Việt Nam.
Vệ tinhVNREDSat-1 do Tổng Công ty STI phóng lên quỹ đạo ngày 4/5/2013 - là vệ tinh nhỏ quan sát Tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai. |
Trong thời gian tới, Việt Nam cũng tiến hành chuẩn bị phóng các vệ tinh như: Vệ tinh NanoDragon do VNSC dự kiến phóng vào năm 2018. Với trọng lượng 10 kg; NanoDragon có nhiệm vụ thực hiện giám sát rừng, tàu biển và thử nghiệm công nghệ; Vệ tinh MicroDragon cũng do VNSC dự kiến phóng vào năm 2018 với khối lượng 50 kg, có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ.
Đặc biệt bộ đôi LOTUSat-1 do VNSC dự kiến phóng vào tháng 3/2019 với trong lượng 600 kg; sẽ được chế tạo, tích hợp, thử nghiệm tại Nhật. Với nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu, LOTUSat-1 được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng dự báo thời tiết, nhất là thời tiết biển cho ngư dân và các chiến sĩ tại các quần đảo xa xôi của Tổ quốc.
Sau khi LOTUSat-1 được phóng, dự án vệ tinh LOTUSat-2 cũng được VNSC dự kiến triển khai trong năm 2021 do hoàn toàn người Việt Nam chế tạo, tích hợp và thử nghiệm ngay tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. LOTUSat-2 cũng có nhiệm vụ phục vụ việc phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu... Hy vọng, với hệ thống vệ tinh đã và chuẩn bị được phóng, công nghệ viễn thám nói riêng, vệ tinh nói chung sẽ góp phàn bảo đảm vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.