Tăng cường tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học
Công tác đảm bảo vệ sinh ATTP luôn được các nhà trường đặt lên hàng đầu. Một trường mầm non trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội) là một trường có tỷ lệ trẻ ăn bán trú 100%. Mỗi ngày trẻ được ăn 2 bữa tại trường, với thực đơn được thay đổi hàng ngày để bảo đảm sự phong phú và đủ chất dinh dưỡng theo yêu cầu.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh ATTP cho trẻ, nhà trường đã đầu tư vào hệ thống nhà bếp. Đội ngũ nhân viên nhà bếp cũng như giáo viên của trường thường xuyên được tập huấn kiến thức, kỹ năng để đảm bảo vệ sinh ATTP trong các bữa ăn.
An toàn vệ sinh bếp ăn trường học phải được chú trọng |
Nhà trường tăng cường hơn công tác vệ sinh cho trẻ, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh ATTP. Không chỉ thực phẩm đảm bảo an toàn, việc chế biến thức ăn, quá trình bảo quản thực phẩm đều phải tuân thủ theo quy trình bếp 1 chiều từ khâu sơ chế, đến khâu chia thức ăn. Nhà trường thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh từ khu vực bếp đến phòng học; theo dõi sức khỏe của trẻ, đồng thời trực tiếp tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh để cùng giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Để đảm bảo nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, nhà trường đã ký kết hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với các đơn vị cung cấp thực phẩm tươi sạch, có uy tín, đảm bảo chất lượng; có lưu mẫu thức ăn trong vòng 24 giờ; đội ngũ nhân viên nhà bếp đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP và được khám sức khỏe định kỳ; đưa kiến thức về dinh dưỡng, vệ sinh ATTP lồng ghép tuyên truyền cho các bậc cha mẹ ở các lớp như; treo tranh ảnh, áp-phích về vệ sinh ATTP tại các bảng tin, góc tuyên truyền của nhà trường,…để phụ huynh học sinh cùng có trách nhiệm quan tâm đến sức khỏe của trẻ.
Bà Lê Thị Nga – Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cũng bày tỏ lo lắng trước vấn đề kiểm soát ATTP trường học hiện nay. Mặc dù 100% trường học bán trú trên địa bàn quận đều đảm bảo bếp ăn theo nguyên tắc một chiều, công tác thanh kiểm tra được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhưng để đảm bảo ATTP thực sự là vấn đề đáng lo.
“Nhiều hiệu trưởng chia sẻ với tôi rằng, mỗi ngày, sau khi tan học, học sinh trở về nhà an toàn, không bị ngộ độc thực phẩm thì họ mới cảm thấy được thở phào. Có thể nói, việc đảm bảo ATTP là mối lo chung của nhiều cơ quan chức năng, trường học cũng như toàn xã hội”, bà Nga chia sẻ.
Cũng theo bà Nga, để vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học thực hiện một cách triệt để cần sự vào cuộc của cả xã hội nhất là công tác tuyên truyền phải được nâng cao.
Đồng thời cho rằng kiểm soát ATTP, ngoài trách nhiệm của nhà trường, cơ sở cung cấp thực phẩm cũng như ngành chức năng, vai trò của gia đình, ban đại diện cha mẹ học sinh vô cùng quan trọng. Gia đình, phụ huynh có cùng vào cuộc, mới tác động, giúp ban giám hiệu nhà trường thực hiện tốt việc đảm bảo ATTP.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ liên tục thành lập đoàn kiểm tra liên ngành quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học và kiểm soát sữa học đường trên địa bàn.
Đồng thời ngành Y tế Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối thực phẩm và việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, chế biến tại bếp ăn tập thể, nhất là đối với trường học, nhưng chưa phát hiện việc cung ứng thực phẩm kém chất lượng vào bếp ăn trong khu công nghiệp hay trường học.
Khi học sinh quay lại trường sau dịch bệnh, ngành Y tế tiếp tục triển khai kế hoạch công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trường học; phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm của các bếp ăn bán trú, cơ sở cung cấp suất ăn, cung cấp nước uống cho các cơ sở giáo dục.
Đặc biệt, thành phố triển khai mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học tại một số trường tiểu học trên địa bàn…Chắc chắn vấn đề an toàn thực phẩm luôn được lực lượng chức năng của thành phố quan tâm hàng đầu.